BVR&MT – “Đầu ra bền vững cho nông sản ĐBSCL” trích đăng một số ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp và nhà quản lý về các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện để nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tập trung tháo gỡ những “nút thắt”
Trong năm 2017, Bộ tập trung tháo gỡ nút thắt đầu tiên là đất đai, bởi nếu không có một quy mô nhất định thì không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả, chuỗi giá trị, bền vững. Do đó, đây là vấn đề quan trọng nhất. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành tập hợp những nội dung cụ thể để trên cơ sở đó những nội dung nào thuộc Thông tư, thì các bộ phải tập trung tháo gỡ. Những nội dung nào liên quan đến Nghị định thì Chính phủ trực tiếp tháo gỡ. Những vấn đề liên quan đến Luật thì kiến nghị Quốc hội để sửa đổi…
Một điểm quan trọng nữa chính là sự liên kết. Trong đó có 2 thành tố quan trọng mang tính quyết định là doanh nghiệp và hợp tác xã. Do đó cần phải có chính sách rõ ràng, ưu đãi hơn, khích lệ hơn để nhiều doanh nghiệp hơn nữa tập trung vào nông nghiệp. Cùng với đó cũng cần phải có chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã phải phát triển, để 13,8 triệu hộ nông dân không còn là các hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ mà phải dưới dạng hợp tác xã, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, góp phần giảm giá thành đầu vào sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của nông dân.
GS.Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Hợp tác xã nông nghiệp cải tiến
Đầu vào phải có giống tốt, công nghệ tốt thì giá trị gia tăng mới cao, mới vươn ra được thị trường thế giới, còn đầu ra liên quan đến thị trường thế giới. Chỉ có các doanh nghiệp lớn mới giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho nông dân, giải quyết vấn đề chiến lược của nông nghiệp. Hiện nay Tập đoàn Hòa Phát đầu tư vào công nghiệp thức ăn chăn nuôi, TH True Milk đầu tư vào chăn nuôi bò lấy sữa, Vingroup cũng bắt đầu tham gia đầu tư nông nghiệp… Đó là tín hiệu mới trong sản xuất nông nghiệp.
Nếu sản xuất nông nghiệp chỉ được thực hiện qua hình thức cá thể, qui mô nhỏ hẹp như hiện nay, sẽ không có cách nào chuyển đổi cơ cấu được. Tuy nhiên, nếu vốn cứ ào ạt đổ vào, sản lượng ở địa phương tăng lên, lợi nhuận tăng, thu ngân sách tăng; nhưng người dân lại nghèo đi, không có đất sản xuất là trở thành vấn đề lớn hơn rất nhiều. Liên kết có hiệu quả giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp là nội dung phải luôn luôn được xem xét một cách cẩn thận, trong chính sách và chủ trương đột phá của nông nghiệp công nghệ cao tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tổ chức lại sản xuất trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là yêu cầu bức thiết cho sản xuất lúa ở ĐBSCL. Trình độ thâm canh của nông dân Việt Nam đang được mọi người ngưỡng mộ, nhưng chỉ diễn ra trên cánh đồng nhỏ bé của mình và đang bị chia cắt bởi thị trường lớn. Các nông hộ nhỏ bé với tâm lý ngán ngại tham gia vào các tổ chức làm ăn qui mô lớn. Họ trở nên bị cô lập và là nạn nhân của biến động thị trường khi có khủng hoảng kinh tế lan rộng. Họ không thể tự bơi ra biển rộng khi Việt Nam là thành viên của WTO. Cánh đồng mẫu lớn là giải pháp trước mắt. Lâu dài vẫn phải là hợp tác xã nông nghiệp cải tiến với chính sách phát triển rõ ràng.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả và cây Macca Nữ Hoàng – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Liên kết sản xuất và tiêu thụ
Ở Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, các HTX gắn bó chặt chẽ với nông dân trong HTX. HTX có phòng kỹ thuật để hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân, HTX bán vật tư nông nghiệp giá rẻ cho nông dân, còn khi thu hoạch thì HTX sẽ thu mua cho xã viên. HTX sẽ phân loại, cân theo từng loại, rồi đóng gói đưa đi bán cho nông dân. Trái loại 1, HTX đưa đi xuất khẩu có giá cao; còn trái loại 2, 3 bán ở các thị trường trong nước. Nhà nước làm vai trò gắn kết 3 nhà lại để hỗ trợ cho việc sản xuất và tiêu thụ của nông dân. Trong lúc đó, ở Việt Nam, vai trò gắn kết, hỗ trợ của Nhà nước để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn mờ nhạt.
Riêng Nhật thì Liên hiệp các HTX (thương hiệu là JA) sở hữu các siêu thị rất to ở khắp nơi. Các siêu thị này sẽ thu mua nông sản của nông dân trong vùng, rồi bán lại cho người tiêu dùng với giá rẻ hơn nhiều so với giá bán ở các siêu thị không trực thuộc Liên hiệp các HTX (siêu thị JA). Điều này lại hỗ trợ cho người tiêu dùng được mua giá rẻ.
Với sự liên kết sản xuất tiêu thụ như vậy thì nông dân bán nông sản sẽ dễ dàng và được giá hơn, còn người tiêu dùng thì mua được nông sản an toàn và rẻ hơn.
Ông Mã Văn Tuệ, Viện Nghiên cứu phát triển: Đầu tư cho ngành cơ khí nông nghiệp công nghệ cao
Ngành cơ khí nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là nhóm ngành ưu tiên và khuyến khích phát triển mạnh trong giai đoạn tới. Đây là trục chính của việc dịch chuyển cơ cấu công nghiệp của vùng ĐBSCL theo hướng trở thành ngành hiện đại và phát triển bền vững.
Như vậy cần phải có những chiến lược phát triển riêng của từng ngành cơ khí công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Cần phải quan tâm phát triển thị trường cơ khí công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cả hai phía đó là thị trường cung và thị trường cầu. Để thực hiện được những quan điểm trên các địa phương trong vùng cần phải tạo điều kiện, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng và tăng cung của thị trường. Các doanh nghiệp hoặc các cơ quan nào có nhu cầu các ngành cơ khí công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ mà chưa đủ năng lực hoặc nếu có làm mà tính chuyên nghiệp chưa có thì nên khuyến khích họ hợp tác với các doanh nghiệp chuyên nghiệp.
Thúc đẩy các ngành cơ khí nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cùng tham gia chuỗi giá trị gia tăng. Đây là một trong vấn đề then chốt có tầm chiến lược để gắn liền với thị trường toàn cầu nhằm đảm bảo phát triển bền vững trước những thách thức của hội nhập. Trong bối cảnh hiện nay, ngành cơ khí công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cần phải tham gia vào sự phân công lao động trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Đa số các ngành cơ khí công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ nếu có chỉ đang ở tình trạng gia công lắp ráp các chi tiết cơ khí có giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi giá trị gia tăng. Vùng ĐBSCL nên nỗ lực chuyển dịch cơ cấu các ngành cơ khí công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ nhằm mục đích thúc đẩy nâng cao giá trị gia tăng.