Cơ giới hóa nông nghiệp tại Nam Trung Bộ

BVR&MT – Những năm qua, các tỉnh Nam Trung Bộ tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Công tác này giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

Máy phun thuốc tự động trên cánh đồng xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, Phú Yên. (Ảnh: TRÌNH KẾ)

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nhiều nơi chưa đồng bộ và rộng khắp, nhiều địa phương gặp khó khăn trong nguồn vốn đầu tư…

Tăng hiệu quả sản xuất

Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua các tỉnh Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận chú trọng cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Năng suất, giá trị gia tăng của sản phẩm được nâng cao tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng tại các địa phương. Tại Phú Yên, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất hơn 95%; Quảng Ngãi 95%; Ninh Thuận 95%; Bình Định khoảng 93%…

Tỉnh Phú Yên được mệnh danh là vựa lúa miền trung, với diện tích lúa hai vụ hơn 24 nghìn ha, là địa phương thực hiện khá sớm việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Riêng tại huyện Phú Hòa, hiện khâu làm đất trong sản xuất ba loại cây trồng chính như lúa, sắn, mía đều áp dụng 100% cơ giới hóa. Tỷ lệ diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp 98%.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa cho biết, hợp tác xã có 781 ha lúa hai vụ, 140 ha lúa một vụ. Nếu như trước đây, nông dân phải mất rất nhiều thời gian để cày, xới đất, cắt lúa, gánh vác về… thì hiện nay, mọi công đoạn đều được ứng dụng cơ giới hóa. Toàn hợp tác xã có 70 máy cày; 53 máy gặt đập liên hợp bảo đảm phục vụ 100% trong khâu làm đất, thu hoạch cho nông dân. “Đợt mưa gió lốc bất thường vào cuối tháng 3 vừa qua đã làm 90% diện tích lúa đông xuân của hợp tác xã ngã đổ rất nặng. Nhờ lượng máy gặt đập liên hợp nhiều, đã tập trung thu hoạch nhanh, hạn chế thiệt hại cho nông dân, năng suất vẫn bảo đảm 74-75 tạ/ha”, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng nói.

Với những cách làm khác nhau, quá trình cơ giới hóa tại các tỉnh Nam Trung Bộ xuất hiện nhiều mô hình hay, đạt hiệu quả. Tỉnh Bình Định có các mô hình: mô hình sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh; mô hình máy cuộn rơm để tận thu phế phụ phẩm sau thu hoạch phục vụ cho chăn nuôi trâu bò và làm nấm ăn ở Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn…; mô hình cơ giới hóa trỉa hạt đối với lạc ở Phù Cát…

Song song với việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi còn tập trung triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí thực hiện hơn 186,3 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa tại 263 cánh đồng với tổng diện tích hơn 7.600 ha và xây dựng được 512 cánh đồng lớn đối với các loại cây trồng như lúa, dưa, lạc… với tổng diện tích gần 9.491 ha. Việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn đã từng bước khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún; góp phần tăng năng suất cây trồng, thay đổi nhận thức của nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ngoài hiệu quả kinh tế, chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã thật sự làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân. Không chỉ ở vùng đồng bằng, tại các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân mạnh dạn đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc hiện đại để sản xuất.

Xã Phước Chính, huyện Bác Ái, Ninh Thuận triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, với diện tích gần 30 ha. Bà Chamaléa Thị Hường ở thôn Suối Khô, chia sẻ: Nhờ có máy cày, máy bừa làm đất, nên thời gian xuống giống đồng loạt, giúp bà con giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động, giúp nông dân khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tự tin trồng các loại cây trồng mới đem lại giá trị kinh tế cao.

Tại thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), ông Bùi Văn Du mạnh dạn đầu tư gần một tỷ đồng mua chiếc máy cày Kubota đa năng với công suất lớn, có thể gắn các dàn máy cuộn rơm, máy kéo, máy sạ hàng, máy xới đất… Ông Du nói: “Chỉ mất 30 phút là máy gặt đập liên hợp đã thu hoạch xong một sào lúa. Khi rơm khô, khoảng 20 phút là máy cuộn rơm đã dọn dẹp xong một sào ruộng và cho ra thành phẩm khoảng 20 cuộn, vận chuyển rất dễ”.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa

Hiệu quả kinh tế đem lại trong việc cơ giới hóa nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công tác tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, tại các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn còn nhiều khó khăn.

Tình trạng chung là việc áp dụng cơ giới hóa đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi nguồn lực của các hợp tác xã và người dân còn nhiều khó khăn. Diện tích sản xuất cây trồng trên địa bàn các tỉnh hiện nay phần lớn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, địa hình phức tạp, một số huyện đồng ruộng trũng, ngập nước, khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất… Trình độ của người dân trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất chưa đồng đều, phần lớn chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng máy nên trong quá trình vận hành còn gặp khó khăn.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Đặng Kim Cương, cần đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn cơ giới nông nghiệp đồng bộ từ khâu làm đất gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch. Huy động các dự án hỗ trợ một phần kinh phí hoặc tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để đầu tư máy móc; kết hợp đẩy mạnh chính sách hỗ trợ trang thiết bị.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: Trong những năm tới Bình Định tập trung thực hiện một số giải pháp như: khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư máy móc vào trồng trọt trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trồng trọt, nhất là giao thông nội đồng; mở rộng quy mô dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung để đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất…

Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa (Phú Yên) Nguyễn Bá Khải chia sẻ, Huyện ủy đã thực hiện chương trình hành động về xây dựng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị kết hợp phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND huyện tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân. Huyện phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức các mô hình cánh đồng mẫu tập trung để đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Huyện đã thực hiện các mô hình hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc thiết bị để tăng tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Sử dụng máy gặt đập liên hợp giúp nông dân Quảng Ngãi giảm chi phí khi thu hoạch lúa. (Ảnh: HIỂN CỪ)