BVR&MT – Lệnh cấm hoàn toàn buôn bán quốc tế đối với tất các các loài thuộc họ tê tê đã được thông qua tại Hội nghị các nước tham gia Công ước quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) lần thứ 17.
Tương lai tươi sáng cho loài tê tê
Tê tê hiện là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Trong thập kỷ qua, hơn một triệu con tê tê hoang dã đã bị giết để phục vụ nhu cầu tiêu thụ lớn và ngày càng tăng ở hai thị trường Trung Quốc và Việt Nam vì người dân hai nước này vẫn coi thịt và vảy tê tê là một loại thuốc. Các loài ăn kiến có vảy đang nhanh chóng tiến đến bờ tuyệt chủng tại châu Á và những kẻ săn bắt trái phép hiện đang chuyển hướng sang châu Phi.
Hội nghị CITES lần thứ 17 đã thống nhất một lệnh cấm hoàn toàn việc buôn bán quốc tế đối với tất cả các loài tê tê. Quyết định này đã nhận được sự cổ vũ và hoan nghênh từ các đại biểu.
Một đại biểu của Nigeria cho biết, tê tê ở bốn quốc gia châu Á là Ấn Độ, Philippines, Sunda và Trung Quốc đã giảm 1/10 do nạn săn bắt trái phép. Loài tê tê sinh sản chậm và dễ bị bắt do chỉ biết cuộn tròn lại khi bị đe dọa. Đại biểu này cũng cho biết thêm, giá của vảy tê tê đã tăng gấp mười lần trong năm năm qua.
Những đợt truy bắt lớn định kỳ đã tiết lộ mức độ phổ biến của loài này ở chợ đen. Năm 2013, một tàu Trung Quốc bị bắt ở Philippines khi đang chở 10 tấn tê tê. Năm 2015, các nhà chức trách Indonesia đã tịch thu và thiêu hủy hàng ngàn con tê tê đông lạnh.
Những kẻ buôn lậu hiện đang nhắm tới bốn loài tê tê ở châu Phi là tê tê khổng lồ, tê tê Nam Phi, tê tê đuôi dài và tê tê bụng trắng. Tháng 6 vừa qua, hơn 11 tấn vảy tê tê đã bị thu giữ tại Hồng Kông từ hai chuyến hàng chuyển đến từ châu Phi.
Đại biểu của Việt Nam cho biết việc đưa loài tê tê vào phụ lục 1 của Công ước CITES với mức bảo vệ nghiêm ngặt nhất là rất cần thiết cho sự sống còn của hai loài tê tê cực kỳ nguy cấp là tê tê Sunda và tê tê Trung Quốc. Động thái này sẽ buộc các quốc gia tham gia Công ước thực thi luật pháp cứng rắn hơn và đưa ra hình phạt cao hơn đối với những kẻ phạm tội.
Indonesia là quốc gia duy nhất phản đối quy định mới về việc bảo vệ loài tê tê Sunda và tê tê Trung Quốc, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Cũng cần lưu ý rằng tại nhiều nước yếu tố gây suy giảm loài là do tê tê bị thú ăn săn mồi ăn thịt và bị mất môi trường sống.
Bà Ginette Hemley, Trưởng phái đoàn WWF tham dự CITES nhận định, đây là một chiến thắng lớn và tin tốt hiếm hoi cho một trong số những loài động vật bị buôn bán nhiều và bị đe dọa nhất thế giới. Điều này giúp loại bỏ tất cả những thắc mắc về tính hợp pháp của việc buôn bán tê tê, khiến việc buôn bán trái phép khó khăn hơn và hậu quả mà kẻ phạm tội phải chịu cũng nặng nề hơn. Bà Hemley cũng cho biết những nỗ lực giảm nhu cầu tiêu thụ tê tê ở Trung Quốc và Việt Nam cũng rất cần thiết.
Tiến sĩ Susan Lieberman, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cho biết, quyết định này sẽ trao cho tê tê một cơ hội. Với quyết định quan trọng này, thế giới đang đứng lên bảo vệ cho các sinh vật nhỏ bé.
Những tín hiệu đáng mừng khác
Hội nghị lần này cũng đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ loài khỉ Barbary, loài linh trưởng hoang dã duy nhất còn sót lại của châu Âu.
Giống như tê tê, biện pháp bảo vệ cho loài khỉ Barbary có nguy cơ tuyệt chủng đã được tăng lên mức cao nhất. Loài khỉ hiện sinh sống tại Gibraltar, Maroc và Angeria. Số lượng loài này đã giảm ít nhất một nửa trong 30 năm qua xuống còn 6.500 con.
Một số lượng lớn khỉ Barbary, chủ yếu là khỉ con, đang bị săn bắt bất hợp pháp, chủ yếu phục vụ cho thú chơi động vật độc lạ ở châu Âu hoặc được sử dụng như là đạo cụ cho khách du lịch chụp ảnh. Ông Gerben-Jan Gerbrandy, Trưởng đoàn nghị viện châu Âu tại CITES, cho biết đây là bước kế tiếp quan trọng trong việc bảo vệ một loài mà không may châu Âu lại chính là thị trường trọng tâm.
Cũng tại hội nghị, Georgia và Liên minh Châu Âu EU đã đạt được một số thỏa thuận bảo vệ cho loài Sơn dương Caucasus phía tây, một loài dê núi có sừng rất đẹp chỉ có ở vùng núi Caucasus. Số lượng loài sơn dương đang bị săn tìm này đã giảm từ 12.000 xuống 4.000 con tại Georgia trong 30 năm qua. Nga, đất nước hiện có 20.000 con sơn dương, đã phản đối đề xuất này, và cho rằng loài này đã được bảo vệ tốt và hình thức thể thao săn bắn đã khuyến khích bảo tồn và giúp ngăn chặn nạn săn trộm.
Hội nghị CITES cũng đã quyết định xóa bỏ sự bảo vệ hiện có đối với các loài đã được bảo tồn thành công. Nam Phi giành được sự ủng hộ cho việc gỡ bỏ những quy định bảo vệ nghiêm ngặt nhất đối với loài ngựa vằn núi Cape. Số lượng loài này hiện nay đang phát triển ở mức 9% một năm, với 4.800 con sinh sống trong lãnh thổ Nam Phi. Bò rừng núi Bizon, một trong hai phân loài của bò rừng Bizon Mỹ, cũng được đưa ra khỏi danh sách bảo vệ của CITES, khi số lượng đã tăng lên đến 9000 con và không còn bị đe dọa bởi nạn săn trộm.
Những nỗ lực của CITES nhằm hướng tới việc xóa bỏ nạn buôn bán động vật hoang dã hiện đang là một ngành kinh doanh phi pháp với lợi nhuận 20 tỷ USD/năm. Ngoài ra, CITES cũng hướng đến mục tiêu đảm bảo rằng các hoạt động buôn bán thực phẩm, da, động vật nuôi và các phương thuốc y học truyền thống hợp pháp không đe dọa sự tồn tại của các loài động vật.
Ly Đặng