CITES CoP 18 chưa cho phép bán kho ngà dự trữ

BVR&MT – Đề xuất cho phép bán một lượng lớn ngà voi dự trữ đã không được CITES CoP 18 thông qua, tuy nhiên cuộc tranh luận nảy lửa đã lột trần sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia châu Phi với những quan điểm trái ngược về bảo tồn voi.

Khoảng 50 cá thể voi vẫn đang bị săn trộm mỗi ngày để cung cấp cho những kẻ buôn ngà voi, và tất cả các nước đồng ý rằng loài động vật trên cạn lớn nhất thế giới cần được bảo vệ nhiều hơn.

Nhưng các quốc gia vùng Nam Phi, nơi có quần thể voi lớn nhất, muốn được phép bán hợp pháp nhiều ngà voi hơn để tài trợ cho bảo tồn và phát triển cộng đồng.

Các nước châu Phi như Mali và Kenya tin rằng bán ngà voi kiểu một lần sẽ khuyến khích săn trộm. (Ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

32 quốc gia châu Phi khác cho rằng phải chấm dứt hoàn toàn việc buôn bán voi, bao gồm cả việc săn bắn lấy chiến lợi phẩm ở một số nước.

Botswana đã đưa ra một đề xuất vào phút chót về việc bán nhiều tấn ngà voi dự trữ vào ngày 22/8.

Đại biểu nước này cho biết: “Châu Phi không phải là một quốc gia và cách tiếp cận động vật hoang dã của chúng tôi sẽ không bao giờ giống nhau. Chúng tôi đang trở thành con tin [của lệnh cấm bán ngà voi toàn cầu]”.

Zimbabwe cho biết các cộng đồng địa phương đang chật vật vì không kiếm được khoản thu nhập nào từ voi: “Họ là những người tay trắng, không có trường học hay bệnh viện gì hết”.

Nhưng đại biểu của Mali đã phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm: “Việc cho phép bán ngà sẽ một thảm họa thật sự”.

Việc bán ngà một lần đã diễn ra vào các năm 1997 và 2008. Đại biểu đoàn Kenya nói: “Chúng tôi đã thực hiện hai thí nghiệm và đều thất bại”, sau đó cho rằng nạn săn trộm gia tăng.

Đề xuất mới về bán ngà đã bị bác bỏ với tỷ lệ phiếu chống/phiếu ủng hộ là 101/23.

Một đề xuất phản đối do Gabon lĩnh xướng nhằm mục đích chấm dứt toàn bộ thương mại quốc tế về voi.

Đại biểu nước này cho biết: “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ thì rất có thể con cháu chúng ta sẽ không có cơ hội nhìn thấy voi”.

Botswana gọi đề xuất này là “hoàn toàn lố bịch”, còn Nam Phi tuyên bố rằng đó là “một đề xuất mang tính đối đầu”.

Lời đề nghị cũng bị bác bỏ với tỷ lệ phiếu ủng hộ/phiếu chống là 67/51.

Nhật Anh (Theo The Guardian)

Tags: , ,
CHIA SẺ