CITES 2019: Bảo tồn phải làm gì?

BVR&MT – Từ ngày 17-28/8, cộng đồng bảo tồn trên toàn cầu tập trung tại Geneva để tham dự Hội nghị các Bên về Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Ban đầu, Hội nghị được dự định diễn ra vào tháng 5 tại Sri Lanka nhưng vì nguyên nhân đánh bom khủng bố nên được chuyển đến Geneva, trụ sở của Ban thư ký CITES.

Đây là Hội nghị lần thứ 18 của Công ước CITES. Hiện có 183 chính phủ với tư cách là các bên (thành viên) tham gia, tạo thành diễn đàn liên chính phủ duy nhất giải quyết các mối đe dọa về buôn bán quốc tế các loài thực vật và động vật hoang dã – cả hợp pháp và bất hợp pháp.

Bên thềm sự kiện, chuyên gia Susan Liberman, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế của Tổ chức WCS đã đưa ra một vài bình luận về mục tiêu bảo tồn của CITES.

Bà cho hay các loài sẽ được đưa ra tranh luận gồm voi châu Phi, tê giác trắng phương Nam, hươu cao cổ, hổ, báo đốm, báo gê-pa và cá mập mako. Nhiều loài ít được biết đến hơn cũng sẽ được xem xét như Linh dương saiga, Hồng hoàng mũ cát, Ếch thủy tinh, Rùa sao Ấn Độ…

Linh dương Saiga (Saiga tatarica) ở một hố nước tại Khu bảo tồn Stepnoi, Astrakhan Oblast, Nga. (Ảnh: Andrey Giljov).

Nhiều loài trong số này có thể bị săn trộm và buôn lậu tràn lan để hoặc lấy các bộ phận cơ thể của chúng hoặc để làm thú cưng. Tình trạng buôn bán bất hợp pháp đe dọa các loài thực sự khi làm suy yếu luật pháp, tạo điều kiện cho tham nhũng, gây tổn hại đến sinh kế và phát triển bền vững của các cộng đồng địa phương.

Lẽ thường, trong bối cảnh khủng hoảng đa dạng sinh học đến từ nhiều mối đe dọa bủa vây như biến đổi khí hậu, mất sinh cảnh, buôn bán trái phép, săn bắt và khai thác quá mức…, các loài trên toàn cầu sẽ nhận được sự bảo vệ cần thiết. Tuy nhiên, tình hình không được như vậy, thậm chí, các nhóm lợi ích còn tìm mọi cách để ngăn chặn sự bảo vệ tăng thêm hoặc chế định cho các loài.

Theo Susan Liberman, có một vấn đề bảo tồn quan trọng hiện đang được áp dụng là nếu một loài được tìm thấy ở nhiều nước, đang suy giảm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng ở một số nước nhưng được đảm bảo hơn ở các nước khác thì thực tiễn bảo tồn hợp lý và nguyên tắc dự phòng chỉ ra rằng các biện pháp ở tầm quốc tế nên tập trung vào các quần thể cần sự giúp đỡ nhất.

Có hai ví dụ nêu bật điểm này.

Mông Cổ và Hoa Kỳ đề xuất công nhận mức độ bảo vệ cao nhất cho Linh dương saiga (một loài cực kỳ nguy cấp chỉ có ở thảo nguyên Trung Á). Trước đây, loài này khá phổ biến với số lượng hơn 1 triệu cá thể vào những năm 1970, nhưng sau đó liên tục sụt giảm mạnh vào cuối thế kỷ 20, và vào đầu những năm 2000 quần thể loài đạt mức thấp nhất với khoảng 50.000 cá thể.

Quần thể loài này đã phục hồi nhất định nhưng vẫn bị đe dọa bởi nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp; sừng của cá thể đực được sử dụng trong y học cổ truyền ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Ngoài ra, dịch bệnh bùng phát gần đây đã giết chết ít nhất 200.000 cá thể chỉ trong ba tuần.

Linh dương saiga phải được đưa vào Phụ lục I của Công ước CITES (cấm buôn bán thương mại quốc tế các loài bị đe dọa) tại cuộc họp ở Geneva. Tuy nhiên, một số chính phủ và nhóm lợi ích đã tập trung nhiều vào các quần thể ít nguy cấp hơn ở Kazakhstan và các nơi khác thay vì quần thể Linh dương saiga cực kỳ nguy cấp ở Mông Cổ. Nếu loài này vẫn duy trì được tình trạng đàn lành mạnh, các chính phủ nên đảm bảo rằng mọi cá thể saiga đều nhận được sự bảo vệ cao nhất.

Một ví dụ khác là hươu cao cổ, loài hiện diện ở 19 quốc gia châu Phi. Quần thể hươu cao cổ đang suy giảm do mất sinh cảnh, biến đổi khí hậu, bị giết hại và buôn bán bất hợp pháp. Sáu quốc gia châu Phi có hươu cao cổ đã đề xuất CITES đưa hươu cao cổ vào Phụ lục II, tức cho phép buôn bán miễn là bền vững và hợp pháp. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy một số giao dịch liên quan đến loài này là thương mại và bất hợp pháp nên cần thận trọng chấp nhận đề xuất nhằm đảm bảo việc buôn bán hươu cao cổ là bền vững và không đe dọa loài thêm.

Điều đáng nói là một số nhóm lợi ích lại đang ráo riết ngăn chặn sự bảo vệ tang thêm đối với hươu cao cổ, họ cho rằng loài này phát triển tốt ở miền nam châu Phi. Quả thật, tình hình loài hươu cao cổ khá lên nhiều ở Nam Phi, Botswana và các nước láng giềng nhưng phương thức bảo tồn thận trọng cho thấy cần xem xét các loài ở quy mô toàn thể. Chúng ta không thể để hươu cao cổ biến mất ở Trung, Đông và Tây Phi vì điều đó có thể gây khó dễ cho những người khác khi xin giấy phép và quy định.

Có 57 đề xuất loài và hơn 100 vấn đề khác sẽ được thảo luận ở Geneva. Khi các chính phủ tham gia một hiệp ước như CITES, họ đã đồng ý hành động vì lợi ích toàn cầu chứ không chỉ hành động hay quyết định dựa trên lợi ích quốc gia hoặc thương mại của mình. Các chính phủ không được phép để các quyết định của mình bị ảnh hưởng bởi áp lực của những người quan tâm đến thương mại hơn là bảo tồn, Susan Liberman nhấn mạnh.

Nhật Anh (Theo Mongabay)