BVR&MT – Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng các công cụ tân tiến để thu thập và phân tích hơn 5.000 mẫu nước biển từ độ sâu lên tới 6.000m để nghiên cứu các đặc tính và chất dinh dưỡng của đại dương.
Các nhà nghiên cứu hóa học đại dương từ nhiều nước trên thế giới đang tham gia vào chuyến thám hiểm đầu tiên đến Nam Đại Dương để nghiên cứu các đặc tính khu vực này.
Theo thông cáo của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO), các nhà khoa học đã khởi hành vào ngày 5/6 trong chuyến thám hiểm nghiên cứu đầu tiên đến Nam Đại Dương, dự kiến kéo dài 14 ngày.
Theo CSIRO, tham gia vào hành trình lần này có các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Canada, Brazil, Argentina, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và Australia.
Nhà khoa học Andreas Marouchos – người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết 14 mô hình phòng thí nghiệm hóa học hàng đầu của 12 nước sẽ được triển khai trên tàu nghiên cứu của CSIRO.
Bên cạnh đó, ông Marouchos cho biết đây cũng là dịp để các nhà khoa học từ nhiều nước tăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức. Họ sẽ sử dụng các công cụ tân tiến để thu thập và phân tích hơn 5.000 mẫu nước biển từ độ sâu lên tới 6.000m để nghiên cứu các đặc tính và chất dinh dưỡng của đại dương.
Nhà khoa học Marouchos cho biết bộ dữ liệu được thu thập trong chuyến đi lần này rất giá trị và cũng là bộ duy nhất, do các chuyến thám hiểm mùa Đông ở Nam Đại Dương thường khó triển khai vì điều kiện thời kiện khắc nghiệt.
Ông nhấn mạnh những nghiên cứu trong thời gian tới sẽ giúp lấp đầy “khoảng trống” kiến thức của nhân loại về đại dương còn mới này, đồng thời giúp các nhà khoa học thê thêm hiểu biết về sự thay đổi trong mức độ dinh dưỡng ở Nam Đại Dương, tùy thuộc vào các thời điểm khác nhau trong năm.
Các nhà khoa học cũng sẽ tham gia một loạt hội thảo trong hành trình 14 ngày để chia sẻ kiến thức với các đồng nghiệp quốc tế.
Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ chính thức công nhận đại dương thứ 5 trên Trái đất – Nam Đại Dương (Southern Ocean) vào hôm 8/6/2021, trùng Ngày Đại dương thế giới.
Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (NGS) chính thức công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ 5 của Trái Đất vào ngày 8/6/2021, được xác định bằng dòng chảy hải lưu mà không phải bằng vị trí địa lý và các mảng kiến tạo như 4 đại dương trước đó. Đây cũng là ngôi nhà quan trọng của các hệ sinh thái biển phong phú và là trung tâm Nam bán cầu.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu cho biết Nam Đại Dương hấp thụ khoảng 40% lượng khí CO2 phát thải từ các hoạt động của con người, trong khi vùng nước giàu chất dinh dưỡng của đại dương này cũng hỗ trợ hoạt động của các chuỗi thức ăn và năng suất.
Theo ghi chép của những chuyên gia từng đi vào Nam Đại Dương, vùng biển này có vẻ đẹp khác biệt hơn so với những nơi khác, với các sông băng có màu xanh thẫm hơn, những ngọn núi sắp xếp hiểm trở hơn và gió cũng lạnh hơn.