Chuyển mình giữa đại ngàn

BVR&MT – Giữa hoang vu đại ngàn, từ muôn vàn gian khó, căn cứ địa cách mạng Mô-Níc, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đang cựa mình phát triển từng ngày. Trong tiến trình đó, có sự nỗ lực vượt bậc của hơn 80 hộ đồng bào Hre dưới ánh sáng của Đảng, Bác Hồ.

Chú thích ảnh
Một góc thôn Mô-Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà, Quảng Ngãi). Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

 

Gần nhà, xa ngõ

Đó là sự ví von mà người dân thường hay nói về thôn Mô-Níc. Tuy thuộc xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà nhưng từ trung tâm xã đến thôn vẫn chưa có lấy một con đường “đúng nghĩa”. Muốn đến được, người ta phải vòng ngược qua huyện Sơn Tây cách đó hàng chục cây số.

Để về thôn Mô-Níc, chiếc xe máy cà tàng cứ thế uốn lượn qua bao nhiêu đèo dốc từ thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đến xã Sơn Lập (Sơn Tây) – nơi giáp với xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông của Kon Tum. Biết vị khách phương xa tò mò, anh lái xe ngoái đầu lại bảo: Mới được có nửa đường thôi, còn xa lắm, sắp tới đoạn “lộn ruột”, ngồi cho vững. Sau hơn nửa giờ di chuyển, tôi mới hiểu hết từ “lộn ruột” mà anh nói. Con đường xấu không còn từ nào để diễn tả, la liệt ổ gà, ổ voi, có những đoạn một bên là vực sâu, sảy tay lái một chút là coi như xong…

Trên hành trình gian nan đó, chúng tôi còn phải vượt qua con sông Xà Lò lúc sâu, lúc cạn tùy theo thời gian thủy điện xả nước và nhiều con suối khác bằng cách đi bộ, bởi xe máy cũng phải chịu thua những con dốc dựng đứng. Đến nơi cũng là lúc mặt trời đứng bóng.

Tấp vào quán nước nhỏ, lân la hỏi thăm thì người dân địa phương cho biết, cái gian khó đó đồng bào ở đây quen rồi, đã “sống chung” với nó cả chục năm về trước. “Hồi xưa làm gì thuận tiện như bây giờ, sỏi đá làm toét chân người bộ hành, hễ mưa xuống là đường nhão nhoét đâu có đi được. Chưa kể, mỗi khi lũ thượng nguồn đổ về là thôn bị cô lập với miền xuôi nhiều ngày trời” – anh Cao Văn Biển tâm sự.

Chuyển mình từ gian khó

Là vùng căn cứ địa cách mạng nhưng do địa hình cách trở nên thôn Mô-Níc được ví như “vùng lõm”, chưa được đầu tư nhiều. Anh Đinh Văn Hoài bộc bạch: Trước đây, đồng bào chủ yếu tự cung tự cấp, hằng tháng Nhà nước chỉ hỗ trợ mỗi nhân khẩu ít dầu hỏa để thắp sáng, ít đường, mắm, dầu… để dùng. Đói thì lên rẫy nhổ củ mỳ, củ khoai về ăn, hoặc ra sông, ra suối bắt con cá về nướng. Nhà ai có điều kiện lắm thì cuốc bộ hơn 3 cây số ra đường chính mua thực phẩm của người miền xuôi chở lên bán về dự trữ ăn dần, nhưng số ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

Tháng 9/2016 được xem là mốc thời gian đáng nhớ của đồng bào Hre thôn Mô-Níc. Từ nguồn vốn 3,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần 30/4 Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi thuộc Dự án Thủy điện Sơn Trà 1 với đầy đủ đường xá, điện, nước sạch, trường học…

Từ dạo ấy trở đi, người dân phấn khởi lắm, vui như mở cờ trong bụng. “Giờ mình tha hồ xài nước sạch, không còn chịu cảnh đi gánh xa và lo sợ thiếu nước uống vào mùa khô nữa, đời sống sinh hoạt có phần thuận tiện hơn”- anh Hoài cho biết.

Chú thích ảnh
Nước sạch phục vụ sinh hoạt cho đông bào Hre tại thôn Mô-Níc , xã Sơn Kỳ (Sơn Hà, Quảng Ngãi). Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

 

Nhiều gia đình lấy đó làm động lực để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Điển hình nhất, phải kể đến hộ anh Phạm Văn Đỗi. Từ khi có đường bê tông, có điện, vợ chồng anh đã không ngần ngại trích ra số tiền vài chục triệu đồng tiết kiệm để mua máy xay xát gạo phục vụ nhu cầu của bà con.

“Là thanh niên trai tráng, tôi luôn coi trọng việc xóa đói giảm nghèo, tự thân tìm đủ sinh kế để kiếm thêm thu nhập, từ vườn – ao – chuồng đến tất tần tật mọi thứ; phải nỗ lực cùng mọi người xây dựng Mô-Níc ngày càng phát triển” – anh Đỗi thổ lộ.

Ý thức vượt khó vươn lên đã dần ăn sâu vào tiềm thức những con người sống ở vùng căn cứ địa. Họ đã biết sắm sửa đầu kỹ thuật số, ti vi để theo dõi thông tin, mở mang kiến thức từ mọi miền đất nước, bởi lẽ họ hiểu một điều rằng khi dân trí cải thiện thì mọi thứ khác không còn là vấn đề gì to tát.

Thương nhân từ đồng bằng cũng dần di cư lên đây ngày một nhiều, dựng nhà, xây hàng quán để kinh doanh, thậm chí sắm sửa cả máy kéo chở keo thuê. Nói vui như vợ anh Đỗi là, cả tuổi đời thanh xuân của vợ chồng mình đã “đánh đổi” ở đại ngàn này thì vùng đất khó đổi thay là điều dễ hiểu.

 

“Giờ cuộc sống khá giả hơn đôi chút, có của ăn của để nhưng cả tôi và chồng nhất quyết chẳng về quê, bởi vì quen sống ở xứ Mô-Níc rồi, xuống dưới sống không quen”. Dứt câu, chị ôm chặt hai đứa con vào lòng mình, cười tươi bảo rằng, thành quả của những tháng ngày bám núi lập nghiệp đó.

Chú thích ảnh
Những ngôi nhà khang trang tại thôn Mô-Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà, Quảng Ngãi). Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

 

Đi dọc con đường bê tông dẫn lối vào nhà trưởng thôn, hai bên đường thấp thoáng những ngôi nhà xây bề thế. Một số hộ đang khẩn trương tập kết nguyên vật liệu, thuê dân làng đào móng dựng thêm những tổ ấm vững chãi. Chứng kiến hình ảnh đó, chúng tôi có cảm nhận, cuộc sống hiện đại đã thực sự tìm đến với bản làng Mô-Níc. Nhưng không vì thế mà đồng bào bỏ đi truyền thống của mình, họ vẫn cố công gìn giữ những nếp nhà sàn đơn sơ để tưởng nhớ đến tổ tiên, nguồn cội.

Khi được hỏi về đời sống kinh tế người dân sau hơn 2 năm được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, già Đinh Văn Trói, Trưởng thôn Mô-Níc dõng dạc, bà con giờ no ấm hơn rồi, thu nhập bình quân cao hơn gấp 2 – 3 lần so với trước kia, cả làng có 3 hộ có máy xay xát, 5 hộ có nhà xây, 4 hộ đã thoát nghèo… cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Ông cũng tự tin khẳng định, con số ấy sẽ còn tăng thêm hơn nữa vì toàn thôn đã đồng lòng phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30 – 40% số hộ nghèo.

Nỗi lo ngại lớn nhất của già Trói cũng như người dân là, chất lượng điện chưa đảm bảo, vì khu vực Mô-Níc tọa ở trên cao, hay có sương muối làm chập cháy đường dây dẫn điện. Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Điện lực Sơn Hà cho hay, chúng tôi đã cắt cử nhân viên thường xuyên túc trực tại địa bàn sẵn sàng khắc phục khi sự cố xảy ra, đảm bảo cho các hộ đồng bào Hre có được nguồn điện ổn định nhất để sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất vì đó là nhu cầu thiết đáng.

Sự quan tâm, hỗ trợ ấy càng làm tăng thêm niềm tin của người dân vùng căn cứ địa cách mạng với Đảng, với Bác Hồ. Hi vọng, Mô-Níc sẽ ngày một “bừng sáng”.