BVR&MT – Một trong những yêu cầu của lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) là phải nhìn trước, đi trước công nghệ để giải quyết bài toán kinh tế – xã hội đặt ra. Và với một quốc gia có trình độ KHCN đang phát triển như Việt Nam, thì tìm kiếm các công nghệ nổi bật ở trong nước, cũng như tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ các nước trên thế giới- chính là “lời giải” nhanh nhất để thành công.
Xung quanh nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Giám đốc Ban quản lý Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu – VCIC.
Phóng viên: Việc khai thác tìm kiếm, chuyển giao tiến bộ KHCN của các nước tiên tiến sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền sản xuất Việt Nam, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hẳn là có lý do để đưa ra nhận định này, thưa ông?
Ông Phạm Đức Nghiệm: Theo kinh nghiệm quốc tế, ở những quốc gia có trình độ KHCN tương tự Việt Nam, bên cạnh việc Chính phủ cơ cấu lại các nguồn lực để đầu tư cho KHCN phát triển, chọn lựa một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên có tính chất là công nghệ nền tảng, tạo điều kiện phát triển lâu dài cho một số lĩnh vực, ngành hàng mũi nhọn, chủ lực của quốc gia hoặc là những công nghệ gắn với các yếu tố dân sinh, an ninh quốc phòng… thì còn lại cơ bản tập trung các điều kiện nguồn lực cho việc khai thác, tìm kiếm và chuyển giao nhanh tiến bộ KHCN của các nước tiên tiến vào điều kiện sản xuất của Việt Nam.
Như vậy, có nghĩa là Chiến lược về KHCN của chúng ta sẽ chọn lựa một số điểm đột phá ưu tiên, còn lại dồn lực cho việc tìm kiếm, khai thác các nguồn lực tri thức công nghệ của nước ngoài (gồm có cả công nghệ, chuyên gia), để làm sao trên cơ sở đó thay đổi nhanh trình độ sản xuất công nghệ và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các chuỗi ngành hàng gắn với xuất khẩu.
Theo đó, trong định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi sẽ ưu tiên tập trung cho tám nhóm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hơn một tỷ USD. Thí dụ, đồ gỗ, đến thời điểm hiện tại chúng ta đã đạt hơn 12 tỷ, và dự kiến lên khoảng 20 tỷ vào năm 2025. Hay như mặt hàng thủy sản, đang định hướng đến năm 2025 là 10 tỷ USD, nhưng theo tính toán của các chuyên gia và của chúng tôi, với tiềm năng thủy sản của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được 40 – 50 tỷ USD. Nếu chúng ta ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới của quốc tế và đàm phán được phương án khả thi cả về mặt công nghệ, tài chính đi kèm… sẽ tạo đột phá về mặt tăng trưởng. Chưa kể, trên cơ sở hợp tác, chuyển giao công nghệ, các đối tác quốc tế sẽ giúp mở ra cơ hội về thị trường cho các sản phẩm, ngành hàng của Việt Nam.
Đây cũng chính là bài toán mà VCIC – được hình thành từ dự án hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Ngân hàng Thế giới (WB) đang đảm nhiệm, tức là thiết kế, tạo ra một kênh để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Kênh này không chỉ dừng ở việc giới thiệu những công nghệ mới, mà còn bố trí một loạt dịch vụ đi kèm, từ thẩm định công nghệ, đánh giá công nghệ cho đến giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận các thông tin công nghệ một cách chi tiết, giúp DN xây dựng phương án đàm phán với đối tác nước ngoài cả về kỹ thuật và tài chính.
Phóng viên: Chúng ta biết là vấn đề tái chế pin năng lượng mặt trời đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội vừa qua. Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu rằng việc chuyển giao công nghệ từ quốc tế có giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Ông Phạm Đức Nghiệm: Một trong những yêu cầu của lĩnh vực KHCN là phải nhìn trước, đi trước công nghệ để giải quyết bài toán kinh tế – xã hội đặt ra.
Chính vì thế, trong định hướng kế hoạch của chúng tôi là tích cực tìm kiếm các công nghệ phục vụ cho ngành tái chế. Muốn phát triển công nghiệp, thì không thể không có chất thải, bởi vậy chúng ta phải giải quyết được vấn đề chất thải và biến chất thải thành tài nguyên, hạn chế những chất thải độc hại ra môi trường.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tích cực tìm kiếm được các đối tác nước ngoài để phục vụ cho bài toán mà Quốc hội đặt ra tại Kỳ họp thứ 10 là vấn đề tái chế pin năng lượng mặt trời.
Để giải quyết vấn đề này, đối tác của chúng tôi – Australia, một trong những quốc gia đi đầu thế giới về tái chế pin năng lượng mặt trời, tái chế chất thải nguy hại trong lĩnh vực công nghiệp, điện tử, sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán lâu dài của Việt Nam. Ngoài Australia, VCIC cũng lựa chọn một số đối tác ưu tiên như Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan. Bởi đây là những quốc gia có định hướng mạnh về xuất khẩu công nghệ và họ có chương trình hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu để xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài.
Chính vì thế, quá trình hợp tác sẽ được diễn ra thuận lợi và các công nghệ của họ nằm trong nhóm công nghệ tiên tiến. Chúng tôi cũng khẳng định lại rằng, chúng tôi không ưu tiên cho các công nghệ có trình độ trung bình và thấp, nhằm thực hiện mục tiêu: không đánh đổi môi trường lấy hiệu quả phát triển kinh tế.
Phóng viên: Thực tế, không ít DN Việt Nam do chưa am hiểu hoặc chưa hiểu hết các điều luật quốc tế, dẫn đến gặp nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Vậy, VCIC đã và sẽ có những hoạt động cụ thể nào hỗ trợ DN?
Ông Phạm Đức Nghiệm: Bộ Khoa học và Công nghệ và WB có giao trách nhiệm cho VCIC chịu trách nhiệm tập hợp các chuyên gia của Việt Nam và nước ngoài tư vấn giúp DN khi có nhu cầu hợp tác với một đối tác công nghệ cụ thể. Theo đó, sẽ giúp DN Việt Nam xây dựng bản hồ sơ năng lực của DN đạt chuẩn quốc tế. Trên cơ sở đó, giúp cho quá trình kết nối, đàm phán trực tiếp với DN nước ngoài, để làm sao tạo ra phương án hợp tác đảm bảo bình đẳng cho cả hai bên, cả về quyền lợi kinh tế và tính pháp lý. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với DN trong quá trình hợp tác, từ khâu ký kết cho đến tiếp nhận, đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Phóng viên: Đó là câu chuyện chuyển giao công nghệ của quốc tế vào Việt Nam. Thế còn ngược lại thì sao? Hiện nhiều viện, trường, DN trong nước cũng sở hữu công nghệ mới, hiện đại, thậm chí lần đầu tiên trên thế giới. Vậy, trong lộ trình thiết kế của VCIC có định hướng chuyển giao những công nghệ của Việt Nam ra nước ngoài, thưa ông?
Ông Phạm Đức Nghiệm: Trong thiết kế của VCIC, ngoài việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ tiên tiến, phù hợp với thực tiễn sản xuất của Việt Nam, chúng tôi cũng ưu tiên tìm kiếm, lựa chọn những công nghệ cao của người Việt sáng tạo ra và trên cơ sở đó kết nối với thị trường nước ngoài.
Thời gian qua, chúng tôi đã kết nối, chuyển giao được một số công nghệ do người Việt Nam sở hữu cho các đối tác nước ngoài. Thí dụ, sáng chế máy gieo hạt của tác giả Phạm Văn Hát đã chuyển giao thành công sang Israel và đang đàm phán chuyển giao sang Nhật Bản, Australia. Hay, công nghệ sản xuất hỗn hợp fullerene C70 của tác giả Trịnh Đình Năng cũng đang thông qua hệ thống VCIC kết nối với các quỹ đầu tư nước ngoài để thúc đẩy chuyển giao…
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về nhu cầu, cũng như cơ hội mà DN Việt Nam có được khi tham gia kết nối với thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay – khi mà Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do?
Ông Phạm Đức Nghiệm: Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy hiệu quả. Thông qua quá trình tự do hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những lợi thế mới thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa các nước, góp phần khai thác tối đa lợi thế so sánh của các nước tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, điều đó khiến cho các DN Việt Nam đặc biệt là các DN tư nhân gặp phải những thách thức rất lớn. Họ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh quyết liệt và gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn trên bình diện rộng và sâu hơn ngay cả ở thị trường trong nước.
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như kích thích tiêu dùng trong nước, thúc đẩy thương mại nội khối, kết nối thị trường quốc tế để tranh thủ tối đa công nghệ và các nguồn lực bên ngoài trong bối cảnh các hệ thống giao thương quốc tế đang tái cấu trúc lại sau đại dịch Covid-19.
Trân trọng cảm ơn ông.