Chuyển đổi số tạo nên một môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh

BVR&MT – Dịch Covid-19 một mặt khiến nông sản nước ta gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ, song mặt khác lại mở ra con đường tiêu thụ mới với chi phí thấp, hiệu quả cao là giao thương trên nền tảng số.

Sản xuất rau an toàn tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Trong nông nghiệp, chuyển đổi số giúp kết nối hàng triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại, các doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho sản xuất và đặc biệt quan trọng là mở ra kênh tiêu thụ mới giúp rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, minh bạch hóa các giao dịch thương mại, tạo nên một môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh.

Ngay từ những tháng đầu năm 2022, các sở, ban, ngành chức năng tại các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Ðịnh, Cần Thơ… đã ban hành các kế hoạch về xúc tiến tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử, đồng thời trao đổi, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) để kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.

Ðến nay, sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn và Sendo đã sớm đưa ra phương án cũng như kế hoạch chuẩn bị trước để đào tạo, hướng dẫn các hộ dân tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên qua kênh hướng dẫn trực tuyến hay các bộ tài liệu hướng dẫn đăng ký gian hàng, cách thức bán hàng, đăng bán sản phẩm, quản lý đơn hàng… cho các sản phẩm vải thiều Bắc Giang, mận Sơn La, nhãn Hưng Yên, bí xanh Bắc Kạn…

Theo thống kê của sàn Postmart.vn, trung bình mỗi ngày lượng truy cập vào sàn Postmart.vn đạt gần 10 nghìn lượt, tăng mạnh so với trước. Ða số người tiêu dùng truy cập và lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương. Hay đối với vải thiều Bắc Giang, tiếp nối những thành công từ vụ vải thiều Bắc Giang năm 2021 trên thương mại điện tử, đầu tháng 4, sàn thương mại điện tử Sendo đã lên kế hoạch đưa vải thiều Hải Dương, Bắc Giang lên phân phối trên sàn. Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, vải thiều dự kiến sẽ có một mùa vải bội thu trên sàn Sendo.

Không thể phủ nhận những kết quả tốt, song cũng phải khẳng định rằng, để đưa được nông sản lên sàn thương mại điện tử là điều không hề đơn giản. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế, hay thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Thêm vào đó, không chỉ cần biết cách đăng ký và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử, doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về quảng bá sản phẩm trực tuyến, marketing trực tuyến, xây dựng và quảng bá hình ảnh sản phẩm cũng như vị thế của doanh nghiệp. Một việc làm không thể thiếu là cần có các kỹ năng chăm sóc khách hàng, quản lý chất lượng sản phẩm.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo, tập huấn cho bà con nông dân, chủ trang trại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, về kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng trực tuyến, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó, sẽ tổ chức sản xuất được hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Mặt khác chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách khuyến khích người nông dân tìm hiểu và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; cũng như có chính sách ưu đãi cho hộ sản xuất nông nghiệp khi mua sắm các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ người nông dân kết nối với các doanh nghiệp thương mại điện tử rõ nét hơn để có thể quản lý hiệu quả chuỗi sản xuất, từ đó bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Chuyển đổi số mang đến lợi ích to lớn cho người nông dân mà ở đó người dân sẽ vượt qua được điểm yếu cố hữu là phụ thuộc vào thương lái, bị động trong việc tìm đầu ra cho nông sản do chính mình sản xuất. Bằng việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, giờ đây nông dân có thể dễ dàng giới thiệu nguồn gốc, quy trình sản xuất đến với người bán, qua đó mang đến cho người tiêu dùng sự yên tâm tuyệt đối về chất lượng của nông sản. Việc đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử đang được xem là một giải pháp hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt Nam. Ðây không chỉ là một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.