BVR&MT – Năm 2022, Kiên Giang có 10 huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả với tổng diện tích hơn 4.480 ha, đạt 87,5% kế hoạch.
Trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm hơn 264 ha, cây lâu năm trên 387 ha và sản xuất theo mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hơn 3.442 ha như tôm – lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm – cua kết hợp đạt chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ…
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả được tỉnh quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Đây là một trong những giải pháp thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, sản xuất “thuận thiên” và nâng cao đời sống kinh tế cho người dân ở những khu vực chịu sự tác động của biến đổi khí hậu gây bất lợi cho sản xuất.
Trên những nền đất trồng lúa kém hiệu quả, nông dân chuyển đổi sang mô hình trồng rau màu chuyên canh và luân canh lúa – màu các loại như dưa hấu, bắp (ngô), mè (vừng), đậu nành (đậu tương), dưa leo, củ cải, khổ qua (mướp đắng), ớt, bầu, bí, rau ăn lá các loại… Qua đó, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận, đồng thời cải tạo đất, nâng cao năng suất, hạn chế dịch hại trên cây trồng, tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, từng bước nâng cao trình độ thâm canh rau màu theo hướng an toàn, VietGAP, đa dạng hóa rau màu thực phẩm phù hợp thị trường và đặc điểm sinh thái từng tiểu vùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, qua khảo sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi bình quân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5 – 4 lần so với trước khi chuyển đổi, lợi nhuận tăng thêm từ các mô hình mà nông dân chuyển đổi từ 15 – 25 triệu đồng/ha đối với mô hình luân canh và từ 35 – 45 triệu đồng/ha đối với mô hình chuyên canh. Đối với chuyển đổi sang trồng cây ăn trái giúp tăng thêm lợi nhuận 55 – 65 triệu đồng/ha cho nông dân. Tuy nhiên, chi phí đầu tư mô hình này cao hơn so với trồng lúa và cần thời gian 3 – 4 năm, nông dân mới bắt đầu thu hồi được vốn.
Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có điều kiện phù hợp giúp nông dân tăng thêm bình quân lợi nhuận hơn 85 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình kết hợp “sản xuất thông minh” đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, an toàn đang được định hướng mở rộng cho các huyện vùng U Minh Thượng và khu vực ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, mô hình này còn nhiều những khó khăn, bất cập về tổ chức sản xuất, kỹ thuật như: giống tôm, giống lúa thích ứng cao cho vùng tôm – lúa, sản xuất theo mô hình hợp tác xã – doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và liên kết tiêu thụ nông sản đạt chuẩn chứng nhận.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển trồng rau màu theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, đạt chuẩn chứng nhận gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản… Các địa phương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả kết hợp với cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện hệ sinh thái, môi trường và sản xuất đạt chuẩn gắn với mã vùng trồng.
Tỉnh tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa – nuôi trồng thủy sản ở những địa bàn có điều kiện, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành. Cụ thể là tập trung phát triển các mô hình sản xuất như: tôm – lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm – cua kết hợp đạt chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC…
Kiên Giang sẽ tăng thêm diện tích thả nuôi tôm càng xanh, cua biển trong mô hình nuôi kết hợp trên ruộng lúa, chú trọng nâng cao chất lượng số loài cá nuôi nước ngọt gắn với mở rộng phát triển nuôi cá trên ruộng lúa để mang về hai nguồn lợi kinh tế trên cùng một đơn vị sản xuất cho nông dân.