Kim Bôi phát huy công tác xóa đói giảm nghèo

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Chất lượng cuộc sống của người dân huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đang ngày càng được cải thiện nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ, phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ các dịch vụ, nâng cao chất lượng giáo dục, đời sống dân cư.

Kim Bôi là huyện có địa bàn rộng, dân cư đông, chủ yếu là dân tộc Mường (chiếm 83%) dân số. Do ảnh hưởng của điều kiện địa lý, tự nhiên, tập quán canh tác, đến nay, Kim Bôi vẫn là một trong những huyện có nền kinh tế phát triển chậm. Chưa có sản phẩm hàng hóa, sản xuất còn mang tính tự cấp, tự túc nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Căn cứ Quyết định số 968/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân huyện Kim Bôi đã tập trung chỉ đạo, xây dựng đề án, kế hoạch triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở về chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020.

Thông qua việc đẩy mạnh các chương trình, dự án như: dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các xã, thôn đặc biệt khó khăn, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cho vay vốn các hộ nghèo, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi được triển khai thực hiện tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các chính sách giáo dục…

Việc giải quyết cho hộ nghèo có vốn để phát triển kinh tế được UBND huyện đặc biệt quan tâm, thông qua chính sách tín dụng ưu đãi đã tiến hành giải quyết vốn vay ưu đãi cho 921 hộ nghèo với số tiền 25.848 triệu đồng; 516 hộ cận nghèo, số tiền: 14.395 triệu đồng; 312 hộ mới thoát nghèo, số tiền: 7.551 triệu đồng.

Người dân xã Hợp Kim (Kim Bôi) phấn khởi chia sẻ về niềm vui của mình về trang trại của gia đình từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện đã triển khai thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo đối với các dự án duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư theo quyết định số 510/QĐ-UBND ngày 07/04/2017 của tỉnh Hòa Bình về việc phân bổ chỉ tiêu kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (vốn sự nghiệp) năm 2017 với số vốn là: 1.140 triệu đồng. UBND huyện đã tiến hành giao cho các xã làm chủ đầu tư để quản lý, triển khai và thực hiện. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được UBND huyện giao kế hoạch vốn năm 2017 là 4.325 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã quan tâm, triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở với tổng số hộ đề nghị hỗ trợ là 447 hộ. Trong đó, hỗ trợ 01 hộ nghèo ở xã Cuối Hạ bị cháy nhà do sét đánh số tiền: 20 triệu đồng để làm nhà.

Về y tế, đến nay đã tiến hành lập danh sách, cấp 98.434 thẻ BHYT cho nhân dân, trong đó: cấp cho đối tượng đồng bào các dân tộc thiểu số 82.925 thẻ, đối tượng thuộc hộ nghèo: 9.615 thẻ, các đối tượng thuộc hộ cận nghèo là: 535 thẻ, đạt mục tiêu của chương trình giảm nghèo đề ra.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục như: miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập năm 2016 – 2017, trong đó: hỗ trợ chi phí học tập cho 8.950 học sinh, số tiền 8.055.000.000 đồng. Miễn, giảm học phí cho 8.408 học sinh, số tiền 1.577.365.500 đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện chi trả được do chưa được cấp kinh phí.

Trung tâm Giáo dục nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đã xây dựng 03 lớp (90 học viên) đào tạo các nghề về: Làm chổi chít, Mây tre đan xuất khẩu, may túi xách siêu thị… Trung tâm khuyến nông – khuyến lâm huyện tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật và hướng dẫn cách làm cho các hộ nghèo. Đây là một khâu then chốt, là biện pháp hữu hiệu để giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo, chống tái nghèo và bảo đảm tính bền vững của chương trình thông qua việc mở 187 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây con và cây lúa, kỹ thuật bón lót với 7.704 học viên. Phòng Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã khai giảng 01 lớp nghề nuôi gà tại xã Kim Bôi với 30 học viên. Điều này đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao nhận thức của người dân về cây trồng và vật nuôi.

Thông qua các lớp tập huấn cây trồng vật nuôi, bà con đã lai giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao với giống bưởi da xanh lai với bưởi Diễn và Chuối Tiêu Hồng.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện có 26.607 hộ, trong đó số hộ nghèo: 7.928, chiếm 29.79%; số hộ cận nghèo: 5.755, chiếm 21.63%. Phát sinh 03 hộ nghèo (01 xã Kim Sơn, 02 xã Cuối Hạ) và 01 hộ cận nghèo (xã Vĩnh Tiến). Giảm 01 hộ cận nghèo (xã Kim Sơn). Nguyên nhân phát sinh hộ nghèo, cận nghèo là do ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thiên tai mất mùa và tách hộ.

Có thể thấy trong 6 tháng đầu năm triển khai Chương trình 135 về xóa đói giảm nghèo, huyện Kim Bôi đã đạt được những thành tích nhất định, với mục tiêu phấn đấu đạt kế hoạch giảm nghèo cuối năm 2017: giảm xuống 1260 hộ, tỷ lệ giảm 4.95% (còn 24,84%). Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu của huyện là triển khai thực hiện dự án khuyến nông cho các hộ nghèo, tập huấn về kiến thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; gắn kết giữa chính sách tín dụng với khuyến nông, khuyến lâm, giúp các hộ dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để giảm nghèo bền vững. Ngoài ra UBND huyện cũng cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đã đề ra để đạt kết quả cao nhất.

Thạch Thảo – Văn Trì