Tây Nguyên: Giải pháp phát triển và tạo sinh kế bền vững từ rừng

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Ngày 3/11, tại tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội thảo: “Giải pháp bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả bền vững rừng tự nhiên trong bối cảnh đóng cửa rừng tại Việt Nam”. Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử đã có những trao đổi ngắn bên lề hội thảo với những chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp lâm nghiệp…

Ông Ghi Nie – Chủ tịch LHH Đắk Lắk, phát biểu, đưa ra giải pháp quản lý, bảo vệ phát triển rừng bền vững, giúp đồng bào sinh kế và thoát nghèo từ rừng.

Trao đổi với phóng viên của Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử, ông Ghi Nie – Chủ tịch LHH Đắk Lắk cho biết, Tây nguyên có diện tích rừng khoảng 3.016.399 ha, thuộc hệ thống rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, gỗ quý trong rừng còn nhiều, có nhiều tiểu vùng sinh thái, nổi bật nhất là hệ sinh thái rừng Khộp.

Do đặc thù riêng của khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên là: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Đắk Nông. Do thiếu đất sản xuất, nghèo đói thường xuyên đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương và việc di cư tự do để sinh sống….

Ông Y Giang Gry Vie Knông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tại hội thảo.

Sau 2 năm thực hiện lệnh của Thủ tướng Chính phủ Tây Nguyên đóng cửa rừng, trong năm 2016 Tây Nguyên vẫn ghi nhận còn 2.100 vụ vi phạm quản lý và bảo vệ rừng và gần 300ha rừng bị chặt phá. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do dân di cư, đất sản xuất thiếu và đói nghèo…

Tình trạng phá rừng ở Đắk Lắk vẫn diễn ra dẫn tới rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ việc mất rừng. Hàng năm Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với ngành Lâm nghiệp, tiến hành tổ chức những cuộc hội thảo về bảo vệ và phát triển rừng, phối hợp với các ngành các cấp thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo vệ rừng tới tổ chức và quần chúng nhân dân.

Ý kiến của chủ rừng về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng

Chính quyền, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Đắk Lắk và 5 tỉnh Tây Nguyên cần nhìn ra vấn đề trọng tâm là: Ai mới là người phá rừng? Đường dây tiêu thụ lâm sản trái phép ra sao? Từ đó sẽ có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Sống với rừng, chết với rừng, rừng che chở cho đồng bào, rừng là lá phổi…

Do đó cần phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường phổ biến kiến thức và tuyên truyền giáo dục thường xuyên đối với cộng đồng, phối kết hợp với tỉnh, huyện, xã và cộng đồng nhân dân ở thôn xóm, thôn buôn thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, hiểu được pháp luật của nhà nước về bảo vệ rừng có trách nhiệm với cộng đồng, giữ gìn lá phổi của mình.

Cần tạo ra sự đồng thuận của nhân dân về trách nhiệm bảo vệ rừng, trong tương lai cần phải giao đất, giao rừng cho người dân quản lý (rừng có chủ), từ đó họ sẽ có trách nhiệm với diện tích rừng được giao. Phải làm sao để cho dân thấy rằng lợi ích từ rừng đem lại là rất lớn, giao cho dân quyền bảo vệ và quyền khai thác, nhưng mỗi lần khai thác đều phải thông qua chính quyền nếu làm được như vậy sẽ tạo ra được sự quản lý song song là nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, chính quyền cũng tham gia bảo vệ rừng, ngành dọc cũng tham gia bảo vệ.

Ngoài ra cần xử lý thật nghiêm đối với người trực tiếp và gián tiếp phá rừng, người tiếp tay cho việc phá rừng. Xử lý bấy lâu nay chưa thật sự nghiêm, không có tính chất răn đe vẫn còn tình trạng nể nang dẫn đến tình trạng rừng vẫn bị chặt phá. Cần phải nhìn thẳng vào sự thật là phá rừng hiện nay không phải là người dân, họ chỉ du canh du cư vì cuộc sống sinh nhai. Tình trạng phá rừng hiện nay là trách nhiệm không chỉ riêng của ngành kiểm lâm mà là trách nhiệm của các cấp chính quyền, những doanh nghiệp được giao đất giao rừng nếu làm ăn thua lỗ, để tình trạng rừng nghèo kiệt, bị tàn phá, nhà nước cần thu hồi để giao lại cho nhân dân, để nhân dân sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử về những giải pháp quản lý, bảo vệ rừng giúp đồng bào sinh kế được từ rừng.

Ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, hiện tại Công ty ông tuy được giao rừng để sản xuất, bảo vệ và phát triển, cán bộ công nhân viên của Công ty thường xuyên ăn ngủ ở rừng để bảo vệ, nguy hiểm luôn rình rập…

Nhưng cái khó của công tác bảo vệ rừng hiện nay là khung pháp lý đối với lực lượng chuyên trách không được trang bị, thiếu công cụ thực thi pháp luật, dẫn đến nhiều vụ phá rừng khi doanh nghiệp phát hiện ra nhưng không thể xử lý, đến khi báo với lực lượng chức năng thì lâm tặc đã vận chuyển gỗ ra ngoài rừng hoặc lâm tặc đã trốn khỏi vị trí đang khai thác… nhiệm vụ của chủ rừng thì rất lớn nhưng quyền hạn thì gần như không có.

Giải pháp của Công ty hiện nay đó là phối hợp chặt chẽ với bà con nhân dân, tuyên truyền trách nhiệm bảo vệ rừng, lợi ích từ rừng tới từng hộ dân trong buôn, khu dân cư nên nếu thấy lâm tặc vận chuyển gỗ đi qua khu dân cư là bị nhân dân giữ lại và kịp thời báo cho Công ty. Theo tôi hiện nay để việc bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả nhất đó là phải xem người dân là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng…

PGS.TS Triệu Văn Hùng chủ tịch VIFA.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch VIFA cho biết: Rừng là tài nguyên của đất nước, giải pháp bảo vệ và phát triển rừng hiện nay thì có nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng đầu tiên rừng phải có chủ, tức là giao rừng cho dân để dân họ dựa vào rừng để sinh kế. Dân sinh sống bao đời nay với rừng và minh chứng là hiện nay rừng vẫn rất xanh tốt vì vậy không nên tách biệt đời sống nhân dân ra khỏi rừng, từ đó họ sẽ thấy lợi ích từ rừng đem lại và bà con đồng bào sẽ bảo vệ và phát triển rừng rất tốt.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào việc phá rừng hiện nay đó là ai, đối tượng nào tiêu thụ lâm sản trái phép… từ đó mới đưa ra được biện pháp ngăn chặn hiệu quả việc phá rừng, rất nhiều dự án có tác động tiêu cực đối với rừng. Hiện nay lực lượng kiểm lâm làm rất tốt, tuy nhiên chỉ dựa vào một mình lực lượng kiểm lâm để bảo vệ rừng thôi thì chưa đủ, cần phải gắn lợi ích của rừng với bà con nhân dân, khiến họ thấy lợi ích rất lớn từ rừng, nâng cao hiệu quả đời sống cho bà con thì việc phá rừng sẽ hạn chế đi rất nhiều…

GS.TS. Bảo Huy – Trường Đại học Tây Nguyên nêu quan điểm quản lý bảo vệ rừng, giúp dân sống tốt từ rừng.

Ông Nguyễn Khang Thiên Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Lâm Đồng có vị trí chiến lược trong khu vực Tây Nguyên, giáp ranh với 7 tỉnh, diện tích rừng phân bố trải dài trên 12 đơn vị cấp huyện, thành phố với 131/148 xã (phường) có rừng, với tổng diện tích là 532.634 ha (rừng tự nhiên là 452.651ha, rừng trồng là 79.983ha). Hiện tại nguồn tài nguyên rừng ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang bị suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng.

Qua theo dõi những năm gần đây tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp diễn và có xu hướng phức tạp hơn, việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất, chuyển đổi, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất xây dựng những công trình thủy điện cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn tới rừng tự nhiên bị suy giảm. Công tác quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, nhà nước và các doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau… tình trạng rất nhiều xưởng gỗ mọc lên, không theo quy hoạch gắn với vùng nguyên liệu nên dẫn tới tình trạng tiêu thụ gỗ bất hợp pháp… bên cạnh đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng chưa được phát huy đầy đủ, ý thức trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị chủ rừng chưa cao, thực hiện chưa được đồng bộ, một số đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương còn xem nhẹ công tác tuyên truyền, nên một số bộ phận người dân không chịu tố giác đối tượng vi phạm, lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu và yếu về nhiều mặt…

Giải pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững tôi cho rằng: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở, tiếp tục ngoài việc quán triệt sâu sắc yêu cầu và nhiệm vụ trong Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, quản lý lâm sản; phải xác định công tác quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục cả trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đó chỉ đạo, điều hành quyết liệt, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ phát triển rừng với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội… tăng cường công tác phối hợp giữa Kiểm lâm với lực lượng Công an Quân đội để thực hiện tốt nhiệm vụ, hỗ trợ địa phương, kịp thời ngăn chặn những vụ phá rừng…

TS. Lã Nguyên Khang – Đại học Lâm nghiệp Xuân Mai nêu ý kiến tham luận về giải pháp quản lý bảo vệ rừng.

Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra ý kiến, nghiên cứu của mình về đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam nói chung và những tỉnh Tây Nguyên nói riêng.

Để những ý kiến đóng góp tâm huyết đó đi vào thực tiễn rất cần sự quan tâm và phối hợp từ nhiều ngành, nhiều cấp, đồng bào sinh kế được với rừng và thoát nghèo nhờ rừng, rừng Việt Nam sẽ được bảo vệ, phát triển.

Phượng Long