BVR&MT – Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, nhất là chất lượng môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại nhiều nơi suy giảm mạnh. Trước thực trạng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường hiện nay.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua hoạt động kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại đã được thực hiện chặt chẽ; công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được tăng cường; mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn còn những bất cập, hạn chế như: Tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… tại một số thời điểm trong năm vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân trên địa bàn.
Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề phát sinh ngày càng nhiều, trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Cả nước mới có 162 trong tổng số 735 cụm công nghiệp (đạt tỷ lệ 22%) đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị còn thấp, chỉ đạt khoảng 15%; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung… Đây là nguyên nhân khiến ô nhiễm môi trường, một số lưu vực sông bị ô nhiễm nặng và còn diễn biến phức tạp thời gian tới.
Lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp, trong khi đó công tác thu gom, quản lý rác thải sinh hoạt còn hạn chế. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%, vẫn còn tới hơn 80% các bãi chôn lấp không bảo đảm vệ sinh. Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chất thải y tế nguy hại, chất thải nhựa, nhất là túi ni-lông chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Đáng lo ngại, đa dạng sinh học ở nước ta vẫn có xu hướng bị suy giảm, cân bằng sinh thái có nguy cơ bị ảnh hưởng; các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích, chia cắt, suy giảm chất lượng. Trong khi đó, rừng nguyên sinh chỉ còn rất ít, bị chia cắt, cô lập thành những khu nhỏ, phân bố rải rác ở một số khu vực như Tây Nguyên, Tây Bắc cho nên khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Ngày 16/9, tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lăng Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ phát động quốc gia Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”. Sau lễ phát động, hơn 700 đại biểu và người dân cùng nhau thu gom rác thải, làm sạch môi trường; trồng cây tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lăng Kinh Dương Vương. |
Nguyên nhân được xác định là do từ các hoạt động công nghiệp hóa, đô thị hóa, tác động của biến đổi khí hậu; ý thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể. Các thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, làm mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước chưa được xử lý tận gốc ; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là các hộ sản xuất, kinh doanh thuộc một số làng nghề còn kém; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và không ít địa phương vẫn còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường sẵn sàng đánh đổi môi trường để lấy các lợi ích kinh tế trước mắt. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, nhất là tuyến cơ sở…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nêu rõ: Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội; bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu đã được Đảng, Chính phủ đề ra, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai một loạt hoạt động như: Tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố; chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường; tăng cường quản lý chất thải rắn, trọng tâm là quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa, chất thải nguy hại; đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng; ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường.
Đáng chú ý, để tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích các hoạt động, phong trào cộng đồng vì môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, hưởng ứng Chiến dịch “làm cho thế giới sạch hơn” được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm).
Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chọn chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”. Chủ đề này được đưa ra nhằm kêu gọi, đề nghị các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền các địa phương phát động nhiều phong trào cộng đồng như: Ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch… Đối với các địa phương có biển cần tăng cường hơn các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni-lông khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Đẩy mạnh, lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các chương trình đào tạo; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức môi trường, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường. Phát hiện và nhân rộng các gương điển hình, mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường; khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn ■