BVR&MT – Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26 thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Sáng 31-10 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Prestwick – Scotland, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); thăm và làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31-10 đến 3-11 theo lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson.
Vai trò trong các vấn đề toàn cầu
Sau gần 2 năm dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều mục tiêu và ý nghĩa quan trọng với rất nhiều hoạt động cả trên diễn đàn đa phương lẫn tiếp xúc song phương, kết hợp gặp gỡ cộng đồng người Việt và doanh nghiệp.
Việc Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm; thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với nỗ lực chung để giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Thực tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ sự trách nhiệm, chủ động, tích cực trong việc tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu. Đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, quyết tâm, nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự kiến trong thời gian tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cấp cao COP26, sự kiện công bố giảm phát thải metal toàn cầu; gặp gỡ lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế tham dự hội nghị…
Tăng cường quan hệ với đối tác chiến lược
Chuyến thăm, làm việc tại Anh của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Vương quốc Anh tiếp tục phát triển. Thủ tướng sẽ có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Anh; tham dự diễn đàn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhằm thông tin về những chính sách kinh tế quan trọng của nước ta và củng cố niềm tin, thu hút thêm vốn đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế; chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận, hoạt động hợp tác kinh tế – thương mại; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Anh.
Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3 đến 5-11 theo lời mời của Thủ tướng Jean Castex.
Chuyến thăm, làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn; góp phần đưa quan hệ với hai đối tác chiến lược này đi vào thực chất, hiệu quả trên mọi mặt, nhất là những kết quả hợp tác cụ thể trong lĩnh vực y tế, công nghiệp dược, ngoại giao vắc-xin.
Các cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với cộng đồng kiều bào ta tại Anh và Pháp sẽ góp phần vun đắp, phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, đồng thời là dịp thể hiện sự tri ân kiều bào ta đã ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong nước vừa qua.
Căng thẳng phủ bóng COP26 COP26 được mô tả là cơ hội cuối cùng để cứu trái đất khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Bị trì hoãn 1 năm vì đại dịch Covid-19, COP26 cần đạt được những cam kết tham vọng hơn về cắt giảm khí phát thải, bảo đảm hàng tỉ USD tài chính cho khí hậu và hoàn thành các quy tắc để thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 đã được gần 200 nước ký kết, với mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu đến cuối thế kỷ này tăng không quá 1,5-2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Thế giới đã chứng kiến những trận lũ lụt, cháy rừng, hạn hán và nắng nóng chết người vì không thể làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu do hoạt động đốt dầu mỏ, than đá và khí đốt. COP26 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu buộc Trung Quốc quay sang than đá để ngăn chặn tình trạng thiếu điện, đồng thời khiến châu Âu phải tìm kiếm thêm nguồn cung khí đốt. Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi nhu cầu chung tay giải quyết mối đe dọa cấp bách, mang tính sống còn đối với nhân loại lại diễn ra vào thời điểm chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ. Theo báo The New York Times, căng thẳng liên quan đến chuyện tiền nong đã trở nên nghiêm trọng đến mức có thể làm chệch hướng hợp tác. Vào năm 2010, các nước giàu cam kết viện trợ 100 tỉ USD/năm đến năm 2020 cho các nước nghèo giải quyết biến đổi khí hậu. Một phần trong số tiền này đã được bàn giao nhưng phần còn lại sẽ không được thanh toán cho đến năm 2023, tức chậm hơn 3 năm so với cam kết ban đầu, theo kế hoạch mới nhất được một nhóm các nước công nghiệp thông báo. Căng thẳng thậm chí còn gay gắt hơn khi nhắc đến ý tưởng các nước công nghiệp phải trả tiền bồi thường cho những nước chịu ảnh hưởng nặng nề vì biến đổi khí hậu để bù đắp thiệt hại mà họ đã gây ra. Các cuộc thảo luận liên quan vấn đề này đã bị hoãn suốt nhiều năm vì sự phản đối từ một vài nước lớn. |