BVR&MT – Nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ trong cả nước đã và đang triển khai nhiều mô hình, hoạt động với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp điều kiện của từng vùng. Qua đó góp phần xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp và lan tỏa những việc làm thiết thực, có ý nghĩa trong cộng đồng.
Tại tỉnh Đắk Lắk, các cấp hội phụ nữ đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái; gắn các hoạt động bảo vệ môi trường với việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội bằng nhiều công trình, phần việc thiết thực, như: Phát động chương trình “Phụ nữ chung tay phục hồi môi trường”; “Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trồng, chăm sóc ít nhất một cây xanh”; nhân rộng mô hình “Khu dân cư xanh – sạch – đẹp”, “Con đường hoa”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Tình người từ phế liệu”…
Đáng chú ý, tại huyện Cư M’gar, “Ngôi nhà thu gom phế liệu” gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là một trong những mô hình sáng tạo, thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện triển khai từ năm 2020. Hiện nay, toàn Hội đã xây dựng được mô hình tại các xã Ea Tul, Cư Dliê M’nông, Quảng Hiệp và thị trấn Quảng Phú. Ngay khi thành lập mô hình, chị em hội viên đã tích cực tham gia, thực hiện phân loại rác thải ngay trong hộ gia đình, nhất là các loại vật liệu như: chai nhựa, vỏ lon, bìa giấy, giấy vụn… đã qua sử dụng, được thu gom và tập kết ở “Ngôi nhà thu gom phế liệu” vào cuối tháng để bán gây quỹ. Mô hình dù mới đi vào hoạt động gần một năm nhưng đã trở thành hoạt động thiết thực, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên và người dân, từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trách nhiệm của cộng đồng mà còn lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ cho các hội viên phụ nữ, trẻ em yếu thế cải thiện cuộc sống.
Ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, được tuyên truyền, vận động của các cấp hội phụ nữ và chính quyền các địa phương, người dân đã có nhiều thay đổi về tập quán sinh hoạt và chăn nuôi gia súc. Chị Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho biết: “Trước đây, chuồng nuôi được bà con làm gần nơi ở, số nhà tiêu hợp vệ sinh chưa nhiều…, thì nay người dân đã chủ động thu gom, phân loại, đốt hoặc chôn rác sinh hoạt, chuồng trại được di rời cách xa nhà ở, góp phần bảo vệ môi trường, cũng như bảo đảm sức khỏe cho người dân. Chỉ riêng từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có hơn 14.400 hộ làm nhà vệ sinh, nhà tắm kiên cố, gần 3.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tận dụng các vật dụng có sẵn như: Ván, tre, nứa làm nhà vệ sinh; hơn 135 gia đình đã di dời chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu vực nhà ở. Hàng nghìn lượt hội viên, phụ nữ thường xuyên tham gia các hoạt động dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm… Ngoài việc gương mẫu, đi đầu thực hiện, các hội viên phụ nữ còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực, vận động người thân trong gia đình và hàng xóm cùng nhau giữ gìn vệ sinh thôn, xóm sạch đẹp…”.
Với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế gia đình, mô hình “Trồng chuối lấy lá” từ cải tạo vườn tạp đã được triển khai và nhân rộng tại các chi hội phụ nữ huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Nhận thấy mảnh vườn tạp của thôn không đạt hiệu quả cao trong việc trồng các loại cây ăn lá, cây rau ngắn ngày, chị em hội viên thuộc Chi hội phụ nữ thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đã nghĩ đến việc triển khai trồng cây chuối, sử dụng phân bón hữu cơ, vừa cải tạo vườn tạp, vừa thu hoạch được lá chuối cung ứng cho các hộ sử dụng gói bánh lá và các chợ để gói thực phẩm thay túi ni-lông. Hiện nay, toàn xã Hòa Nhơn cũng nhân rộng trồng cây chuối lấy lá trong các hộ gia đình, dù không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng sản phẩm thu được từ cây chuối cũng giúp cho các hội viên phụ nữ có thêm một khoản kinh phí để trang trải cuộc sống.
Với việc trồng cây xanh từ rác thải hữu cơ không chỉ đạt hiệu quả cao mà còn giúp giảm rác thải ra môi trường, chị em phụ nữ huyện Hòa Vang còn triển khai mô hình “Mỗi hố rác một cây xanh” để phát triển vườn cây ăn trái. Theo đó, rác từ lá cây trong vườn, rau quả thừa, vỏ trái cây trong sinh hoạt hằng ngày thay vì bỏ đi, các chị em gom lại làm thành phân bón hữu cơ, để trồng cây. Trước kia, trong khu vườn của mình, chị Nguyễn Thị Thuận trồng các loại cây nhưng bị hỏng nhiều do những trận bão lớn. Được sự hỗ trợ giống bưởi da xanh, gốc chuối, ổi… và tham gia lớp tập huấn “Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây” của Hội LHPH huyện tổ chức, chị đã cải tạo lại vườn, trồng tập trung các cây ăn quả, góp phần cải thiện môi trường. Chị Thuận tâm sự: “Mấy trăm gốc chuối ngoài bán lấy lá thì ngày rằm, mồng một còn bán thêm được chuối nải, hoa chuối có thêm vài trăm nghìn đồng mua thực phẩm. Số bưởi sau một năm trồng cũng đã bắt đầu cho thu hoạch, cuộc sống của gia đình nhờ vậy cũng dần cải thiện”.
Chia sẻ về những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Lê Huyền Trâm cho biết: “Những mô hình bảo vệ môi trường đã được triển khai phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đạt hiệu quả cao sẽ được chúng tôi tiếp tục duy trì và nhân rộng. Qua đó, không chỉ tạo ra phong trào sôi nổi của chị em phụ nữ, mà còn có thêm các nguồn quỹ cho Hội thực hiện hỗ trợ hội viên khó khăn, phụ nữ yếu thế”.