Chung tay bảo vệ động vật hoang dã và các loài chim di cư tự nhiên

BVR&MT – Thời điểm bắt đầu mùa mưa bão, cũng là lúc chim trời bắt đầu di cư về đất liền ngày càng nhiều. Bảo vệ các loài chim hoang dã trong mùa di cư chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, vào thời điểm này, tình trạng đánh bắt chim trời bắt đầu diễn ra.


Nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chấm dứt tình trạng khai thác, buôn bán, săn bắt chim hoang dã góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, Phòng Cảnh sát điều tra tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thái Bình đề nghị nhân dân:

1. Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; Không chế tạo, tàng trữ và cất giữ các loại súng săn, súng cồn, các dụng cụ săn bắt động vật; Không sử dụng các loại súng săn, dụng cụ săn bắt động vật, các loại bẫy trong các khu rừng được bảo vệ; Không cải độ các phương tiện giao thông để vận chuyển trái phép lâm sản gỗ và động vật hoang dã; Không mua bán, vận chuyển và tàng trữ các loài động, thực vật rừng hoang dã quý hiếm trái phép.

2. Việc đánh bắt, tận diệt chim trời là hành vi vi phạm pháp luật, đề nghị người dân không dùng các công cụ quây lưới ngoài đồng, dùng loa phát tiếng chim dụ chúng vào lưới để tận diệt chim trời. Lực lượng chức năng sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát, tịch thu, tháo dỡ, tiêu hủy và xử lý các loại dụng cụ, phương tiện săn, bắn, bẫy, bắt chim tự nhiên và các loài động vật rừng trái phép. Xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

3. Khuyến khích người dân nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; tích cực vận động người thân, bạn bè tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các loài chim tự nhiên, đặc biệt các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy, tất cả phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển, vì vậy mỗi chúng ta hãy thay đổi hành vi, thói quen trong cuộc sống hàng ngày góp phần giảm thiểu tiến tới chấm dứt săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã và các loài chim di cư tự nhiên, nhằm khơi dậy, thúc đẩy, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã.

Cán bộ, Đảng viên và nhân dân, cần hành động chung tay bảo tồn, phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học tạo sự lan tỏa thông điệp: Nói không với sản phẩm, món ăn được chế biến từ động vật hoang dã, tạo sự thân thiện với môi trường thiên nhiên, hướng đến mục tiêu giảm thiểu nhu cầu sử dụng, đẩy lùi nguy cơ săn, bắt, buôn bán, góp phần ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn của chúng ta nói riêng.

Hậu Thạch