‘Chúng ta có bước tiến lớn trong việc quản lý mạng xã hội xuyên biên giới’

BVR&MT – Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2018, tỷ lệ các mạng xã hội xuyên biên giới thực thi luật pháp Việt Nam về tháo gỡ thông tin xấu độc chỉ đạt tỷ lệ từ 10-20%. Nhưng đến năm 2023, tỷ lệ này đã đạt 90-95%.

Sáng 8/11, nêu vấn đề tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, bà đồng ý với phần giải trình của Bộ trưởng Bộ TT&TT về nội dung “cái gì ngoài xã hội thật có thì thế giới ảo cũng có”.

Bà Phúc cho rằng, việc xử lý quảng cáo trên nền tảng số, các thông tin sai sự thật, tin nhắn rác và giải pháp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại phiên chất vấn kỳ 4 đến nay đã có những chuyển biến tích cực và được đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: QH

“Theo góc độ cá nhân tôi cũng như phản ánh của cử tri, thời gian qua Bộ TT&TT đã làm rất tốt, chủ động trong vấn đề này. Cho nên, đề nghị Bộ cần tiếp tục phát huy, đồng thời phối hợp với Bộ Công an để chủ động rà soát, tháo gỡ, xử lý nội dung quảng cáo sai sự thật”, đại biểu Phúc nói.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết thêm, hiện nay vẫn còn tình trạng tin nhắn rác, quảng cáo sai sự thật phổ biến trên nền tảng số. “Việc các tài khoản này không phải là tài khoản chính danh nên các bộ, ngành quản lý chuyên ngành rất khó xử lý”, đại biểu đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu nêu băn khoăn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về mặt quản lý mạng xã hội, nhất là mạng xã hội xuyên biên giới, chúng ta có những bước tiến lớn so với những nước khác.

Năm 2018, tỷ lệ các mạng xã hội xuyên biên giới thực thi luật pháp Việt Nam về tháo gỡ thông tin xấu độc chỉ đạt tỷ lệ từ 10-20%. Nhưng đến năm 2023 này thì tỷ lệ đã đạt 90-95%. Năm 2018, tỷ lệ thông tin xấu độc về các lãnh đạo chủ chốt có những lúc 70%, nhưng đến nay rất là thấp, chỉ khoảng 1%.

Trước băn khoăn của đại biểu về việc làm gì để xử lý những thông tin xấu độc liên quan đến người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về mặt quy định pháp luật, các mạng xã hội có trách nhiệm tự rà quét và tự tháo gỡ. Bất kỳ mạng xã hội nào hoạt động ở Việt Nam phải có cơ chế nhận phản ánh của người dân, nhận phản ánh của chính quyền các cấp để tháo gỡ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, gần 5 năm trước, Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có chức năng tự rà quét và tự tháo gỡ thông tin xấu độc.

Vừa qua, Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc ở mức quốc gia và sắp tới sẽ ban hành quy định ở các địa phương phải có trung tâm này để hỗ trợ người dân.

“Như vậy, cơ chế thì chúng ta đủ. Nhưng các bộ ngành, địa phương và người dân khi gặp khó khăn trong việc đề xuất mạng xã hội tháo gỡ thông tin xấu độc thì thông qua Bộ TT&TT, chúng tôi sẽ hỗ trợ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Báo chí phải thay đổi cơ cấu nguồn thu

Nêu vấn đề tại hội trường, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho biết, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền thông chính sách.

Tuy nhiên, hiện nay cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là với phát thanh, truyền hình theo Thông tư 03 và Thông tư 09 của Bộ TT&TT đang gây rất khó khăn cho các cơ quan báo chí.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa.

Theo đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TT&TT phải giải quyết vấn đề này trong quý 3/2023 thể hiện trong văn bản số 274 của Văn phòng Chính phủ nhưng đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được.

Do vậy, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết, khi nào thì hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí. Còn về lâu dài, cần những chính sách đột phá gì để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách vừa đáp ứng nhu cầu thông tin?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, nguồn thu của các cơ quan báo chí gần như 100% là dựa trên quảng cáo, cho nên không quan tâm nhiều đến việc đặt hàng.

Đến khi truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển thì đã lấy mất 70% nguồn thu của báo chí từ quảng cáo. Lúc đó, các cơ quan báo chí mới thấy vấn đề đặt hàng quan trọng. Tuy nhiên, khi báo chí thực hiện đặt hàng thì gặp khó khăn do liên quan đến 3 thông tư đã được Bộ TT&TT ban hành về định mức kinh tế kỹ thuật.

“Chúng tôi đã nhận ra vấn đề này và cũng nhận trách nhiệm về việc đã ban hành những thông tư mà đưa vào thực tế là khó thực hiện. Đích thân tôi đã làm việc nhiều buổi với các cơ quan báo chí, các đơn vị của Bộ. Đến nay, đã có hướng giải quyết. Cụ thể, Bộ TT&TT sửa 3 thông tư theo hướng ban hành hướng dẫn để cơ quan báo chí chủ động thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết, đến quý 1 năm 2024 sẽ sửa xong.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng phối hợp với Bộ Tài chính sửa Nghị định 60 về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm thủ tục hành chính.

Về lâu dài, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của báo chí, thay vì chỉ dựa trên quảng cáo. Cụ thể, báo chí phải có thêm nguồn đặt hàng của các cơ quan chủ quản, của xã hội.

“Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, cho nên cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, các cơ quan báo chí cần phát triển các sản phẩm chất lượng cao, mang tính phân tích, có thu phí. Đây cũng là một xu hướng lớn của báo chí thế giới.

Mạng xã hội thu đến 70% quảng cáo nhưng lại sử dụng khá nhiều sản phẩm báo chí, vi phạm bản quyền báo chí. Do vậy, Bộ trưởng cho biết, khi sửa đổi các quy định, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu các mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí thì phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí.