Chữa lành khí hậu và đa dạng sinh học bằng phục hồi rừng: Hiệu quả nhưng bị xem nhẹ

BVR&MT – Theo một nhóm các nhà vận động quốc tế, việc phục hồi rừng tự nhiên và bờ biển có thể đồng thời giải quyết biến đổi khí hậu và nạn hủy diệt động vật hoang dã nhưng đang bị coi nhẹ một cách đáng lo ngại.

Xem thêm: Phát động cuộc thi: Viết về “Bảo vệ Rừng và Môi trường” lần thứ 3 năm 2019

Các quần thể động vật đã giảm 60% kể từ năm 1970 – điều này cho thấy đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu trên trái đất đang diễn ra, và CO2 phải bị loại bỏ khỏi bầu khí quyển nhằm tránh tác động xấu nhất của sự nóng lên toàn cầu. Cây cối hút CO2 từ không khí trong quá trình lớn lên và cũng cung cấp sinh cảnh quan trọng cho động vật.

Ảnh minh họa.

Trong lá thư gửi cho Tờ Guardian, Nhóm vận động cho hay “Thế giới phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng hiện sinh, phát triển với tốc độ khủng khiếp: sự cố khí hậu và sự cố sinh thái. Không cuộc khủng hoảng nào được giải quyết với sự cấp bách cần thiết để ngăn chặn các hệ thống hỗ trợ sự sống của chúng ta thoát cảnh sụp đổ. Để ngăn ngừa sự hỗn loạn khí hậu trong khi bảo vệ thế giới đang sống, chúng tôi đang đấu tranh cho một cách tiếp cận hấp dẫn nhưng bị lãng quên: các giải pháp khí hậu tự nhiên. Trong nhiều trường hợp, bảo vệ thế giới đang sống và bảo vệ khí hậu là một”.

Danh sách ký tên vào bức thư bao gồm nhà hoạt động bãi công trường học Greta Thunberg, nhà khoa học khí hậu Giáo sư Michael Mann, các nhà văn Margaret Atwood, Naomi Klein và Philip Pullman, cùng các nhà vận động Bill McKibben và Hugh Fearnley-Whmitstall.

Cựu Tổng giám mục Canterbury Rowan Williams, cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed, và nhạc sĩ Brian Eno cũng nằm trong số những người ký bức thư, được cây bút George Monbiot của Tờ Guardian khuyến khích.

Nhóm nhấn mạnh rằng các giải pháp khí hậu tự nhiên không phải để thay thế cho quá trình khử nhanh cacbon từ năng lượng, vận chuyển và canh tác mà cả hai đều cần thiết.

Liên hợp quốc đã công bố Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái vào đầu tháng Ba. Joyce Msuya, người đứng đầu UNEP thừa nhận “sự thoái hóa các hệ sinh thái có tác động tàn phá đối với cả con người và môi trường. Tự nhiên là món đánh cược tốt nhất để giải quyết biến đổi khí hậu và bảo đảm tương lai”.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra khoảng 1/3 mức giảm khí thải nhà kính cần thiết vào năm 2030 có thể được cung cấp bằng cách phục hồi sinh cảnh tự nhiên, nhưng các giải pháp như vậy chỉ nhận được 2,5% kinh phí cho việc giải quyết phát thải.

Tác động lớn nhất có thể đến từ việc phục hồi rừng, đặc biệt là các khu vực ở vùng nhiệt đới bị phá trụi để chăn thả gia súc, trồng dầu cọ và lấy gỗ.

Bức thư nói rõ các giải pháp khí hậu tự nhiên không được cạnh tranh với nhu cầu nuôi sống dân số thế giới ngày càng tăng, và phải được thực hiện với sự đồng thuận của cộng đồng địa phương.

Những cách khôi phục sinh cảnh hiệu quả thường trùng lặp với việc bảo tồn ĐVHD. Tăng cường quần thể voi rừng và tê giác ở châu Phi và châu Á sẽ giúp gieo rắc những hạt giống cây có hàm lượng carbon cao, trong khi nhiều sói sẽ hạn chế tình trạng cây bị nai sừng tấm ăn.

Nghiên cứu cho thấy sự tích lũy cacbon nhanh nhất xảy ra trong sinh cảnh thực vật ven biển như rừng ngập mặn, đầm nước mặn và thảm cỏ biển – những thứ cũng bảo vệ các cộng đồng khỏi bão. Ở đây, cacbon có thể được cô lập nhanh hơn 40 lần so với trong các khu rừng mưa nhiệt đới. Đất than bùn cũng phải được bảo vệ và phục hồi vì chỉ chiếm 3% diện tích đất thế giới nhưng lưu trữ tới 1/3 lượng các-bon trong đất.

Các cách khác được đề xuất để loại bỏ CO2 trong không khí bao gồm đốt gỗ để phát điện và chôn lấp khí thải, nhưng để hoạt động ở quy mô thích hợp sẽ cần diện tích đất đai rất lớn.

Trang web Natural Climate Solutions (http://naturalclimatesolutions.org), vừa ra mắt đầu tháng Tư, kêu gọi các chính phủ ủng hộ các biện pháp trên “để tạo ra một thế giới tốt hơn cho ĐVHD và một thế giới tốt hơn cho con người”.

Monbiot, người viết một bài cho trang web này, thổ lộ “mục đích của chúng tôi rất đơn giản: xúc tác sự nhiệt tình toàn cầu trong việc giảm các-bon bằng cách khôi phục các hệ sinh thái. Đây là công cụ đơn lẻ để giảm thiểu khí hậu bị đánh giá thấp và thiếu nguồn quỹ hơn hết”.

Nhật Anh (Theo The Guardian)