BVR&MT – Thời gian qua, việc liên tiếp nhiều mặt hàng nông sản khu vực miền núi xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới cho thấy, những chính sách xây dựng, phát triển thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cho bà con ở khu vực nông thôn, miền núi đang phát huy tác dụng. Điều này không chỉ khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam ở thị trường thế giới mà còn giúp tạo sinh kế cho người dân, góp phần giảm nghèo cho đồng bào ở khu vực này.
“Thủ phủ” của nhiều loại nông sản chất lượng cao
Trong những năm qua, cùng với Sơn La, Quảng Ninh, thì Bắc Giang cũng nổi lên là một trong những địa phương có nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận. Theo đánh giá của rất nhiều bộ ngành, một trong những bí quyết giúp Bắc Giang luôn là điểm sáng trong tiêu thụ nông sản cả ở nội địa và xuất khẩu chính là lãnh đạo địa phương luôn đặt sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động này.
Chia sẻ về hướng phát triển thương hiệu cho nông sản địa phương, tại buổi tọa đàm “Kết nối thông tin, tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi” ngày 7/9 tại Hà Nội, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, từ năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt danh mục 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Từ đó, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ. Cùng với đó, xây dựng và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, tạo ra sản phẩm vải thiều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng đều và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, Bắc Giang có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc (hỗ trợ 50% kinh phí bao bì, tem nhãn), hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, kết nối doanh nghiệp phân phối với các nhà vườn, hợp tác xã.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Bắc Giang đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã mở các gian hàng trên sàn thương mại điện tử và gặt hái nhiều thành công. Trong đó, tiêu biểu là chương trình tiêu thụ vải thiều trên các nền tảng internet, giới thiệu, bán sản phẩm trên các mạng xã hội như facebook, zalo… giúp nông sản tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi; người nông dân đạt mức thu nhập cao.
Cũng như Bắc Giang, tại tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng thành công các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được cho là một trong những bí quyết giúp nông sản Quảng Ninh không lo về đầu ra.
Theo bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, với nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, đã giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đến nay, Quảng Ninh đã có 499 sản phẩm tham gia chương trình, trong đó có 267 sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh thực sự tạo được thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng và thị trường.
“Đến thời điểm này, 100% sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đạt từ 3 sao trở lên đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý, tiêu chuẩn để kết nối tiêu thụ vào kênh hệ thống các siêu thị lớn như: MM Mega Market, Tops Market,…”, bà Hoài Thương chia sẻ.
Nhiều giải pháp phát triển thương hiệu nông sản miền núi
Để xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, một trong những giải pháp được tỉnh Quảng Ninh áp dụng là kết hợp phát triển nông sản, gắn với du lịch. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh Nguyễn Hoài Thương, Quảng Ninh có nhiều điểm nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long kỳ quan thiên nhiên thế giới, Yên Tử, có biên giới… nên thực sự có lợi thế về du lịch thiên nhiên và du lịch văn hoá. Chính vì vậy, chính sách nhất quán của Quảng Ninh về phát triển sản xuất sản phẩm, nhất là sản xuất sản phẩm nông nghiệp là gắn chặt với du lịch.
Ví dụ thời điểm này, Quảng Ninh mới khánh thành tuyến đường cao tốc có lẽ dài nhất cả nước đến Móng Cái. Để kinh doanh tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP không những của tỉnh Quảng Ninh mà của các tỉnh, thành khác, chúng tôi có điểm dừng chân, điểm bán sản phẩm. Chúng tôi xây dựng sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm có thương hiệu như một món quà tặng khách du lịch.
Với Bắc Giang, theo chia sẻ của Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Phạm Công Toản, nông sản của địa phương này hiện chủ yếu bán trên thị trường dưới dạng thô, quả tươi hoặc qua sơ chế cả trong nước và xuất khẩu, chưa được chế biến sâu để gia tăng giá trị kinh tế và kéo dài thời gian tiêu thụ nông sản.
Để tăng sự cạnh tranh, thời gian qua tỉnh Bắc Giang rất quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh khảo sát vùng nguyên liệu, môi trường đầu tư, để đầu tư các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 40 doanh nghiệp, Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm.
“Chúng tôi đã có sản phẩm chế biến sâu đang được hỗ trợ khai thị trường Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, tới đây sẽ triển khai xúc tiến tại nhiều thị trường nước, cho nên chất lượng sản phẩm cũng như chế biến sâu cũng gây áp lực lớn cho vấn đề tiêu thụ”, ông Toản nhấn mạnh.
Đề cập đến việc tăng cường kết nối cung – cầu cho các sản phẩm nông sản khu vực miền núi, tại buổi tọa đàm, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản địa phương đã được Bộ Công Thương quan tâm và đẩy mạnh từ khi có Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động 2019.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nhiều đề án, chương trình cụ thể và giao cho Bộ Công Thương thực hiện rất nhiều hoạt động hiệu quả; trong đó, có hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản. Thời gian qua, hoạt động này đã thu được nhiều kết quả như giúp tiêu thụ cho những tỉnh có sản lượng nông sản lớn như Bắc Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh, Sơn La…
Các chương trình cụ thể có thể kể đến là Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với giải pháp quan trọng là triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn từ 2014-2020 hiện nay là giai đoạn 2021-2025, chương trình OCOP,…
Đặc biệt, nhờ có Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển nông thôn mới với Chương trình OCOP, Bộ Công Thương đã kết nối hàng hóa đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại, các sàn thương mại điện tử để đưa đến các thị trường khó tính ở nước ngoài.
Giai đoạn mới, Chính phủ đã quan tâm và phê duyệt được hai đề án mới sẽ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đó là Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2030; trong đó hoạt động kết nối cung cầu nông sản sẽ là điểm nhấn quan trọng nhất,…
Bà Lê Việt Nga cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hai chương trình gắn kết chặt chẽ với đồng bào dân tộc, miền đó là Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản đến năm 2030; thực hiện nhóm nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia đó là hỗ trợ phát triển tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, sẽ có nhóm giải pháp để hỗ trợ kết nối cung cầu đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên liên tục, có tính điều phối vùng miền. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các mô hình hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; trong đó, đặc biệt quan tâm tới hệ thống phân phối của Bưu điện Việt Nam,…