BVR&MT – Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định từ Điều 23 đến Điều 25 về hành lang bảo vệ bờ biển, nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển…
Ngày 10/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về thực trạng thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển ở các tỉnh có biển.
Theo báo cáo của Tổng Cục biển và Hải đảo Việt Nam, thời gian qua, công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đã được chú trọng.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định từ Điều 23 đến Điều 25 về hành lang bảo vệ bờ biển, nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển; các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển; các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trong thời hạn 18 tháng kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành (năm 2015), Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển chịu trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý theo Khoản 2 Điều 79.
Tuy nhiên, sau 4 năm Luật có hiệu lực, mới chỉ có 12/28 tỉnh, thành phố có biển có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Dự thảo Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Trong số 28 tỉnh, thành phố có biển, chỉ có 5 tỉnh phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, 2 tỉnh đã thực hiện việc xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển và 7 tỉnh đang hoàn thiện và xem xét phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Ngoài ra, 14 tỉnh, thành phố có biển đang triển khai dự án để thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Trường Sơn nhận định việc triển khai chậm do vướng mắc từ các quy định của pháp luật chưa đồng bộ với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển còn chưa chi tiết, thiếu nguồn nhân lực quản lý và thực hiện…
Hơn nữa, nguyên nhân cốt lõi là do sự quan tâm chưa đúng mức về tầm quan trọng của việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển các tỉnh có biển trong việc bố trí ngân sách và phê duyệt dự án thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Ngoài ra, một số cơ quan tham mưu về lĩnh vực biển, hải đảo ở một số địa phương còn thiếu nhạy bén, chưa quán triệt triển khai dẫn đến Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số địa phương chưa hiểu hết về Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nên có tâm lý e dè khi thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển sẽ làm cản trở sự phát triển kinh tế của tỉnh, không thực hiện đúng quy định tại Khoản 1, 2 Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, vẫn cấp phép dự án đầu tư khu vực ven biển trong khi chưa thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển mà không thấy sự nguy hại đến hệ sinh thái ven biển, gây nguy hiểm tính mạng, tài sản khi sự cố thiên tai…
Trước thực trạng các địa phương chưa nghiêm túc thực hiện đúng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẩn trương trình văn bản đôn đốc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có biển, nêu rõ tình trạng các tỉnh trong việc thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam rà soát, trường hợp cần xây dựng định mức kỹ thuật cho hoạt động thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thì sớm thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ưu tiên nguồn kinh phí cho công tác thanh kiểm tra việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trong thời gian tới; đồng thời nhất trí với đề xuất tăng cường tuyên truyền về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trong các hội nghị, hội thảo, chương trình phổ biến pháp luật.