BVR&MT – Thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã không ngừng thực hiện chuyển đối số với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý công việc. Cùng với đó bảo đảm an toàn thông tin trong vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống quản lý và ứng dụng các phần mềm chuyên dụng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Năm 2023, Cục Lâm nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong năm này, Cục đã chỉ đạo hoàn thành danh mục cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của mình và ban hành kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục.
Cục đã nâng cấp, cải tiến hệ thống nền thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) nhằm đáp ứng các yêu cầu về cấu trúc, chuẩn hóa dữ liệu, bảo đảm cho việc cài đặt, tích hợp, kết nối các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành vào hệ thống.
Đến nay, 100% văn bản được xử lý trên môi trường mạng (trừ các văn bản theo quy định); nâng cấp và vận hành hệ thống báo cáo trực tuyến phục vụ quản lý điều hành. Thiết lập và xử lý cơ sở dữ liệu tập trung trên hệ thống FORMIS. |
Cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, duy trì ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính. Thông qua đó, 100% các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành được cập nhật và thực hiện trên cổng thông tin một cửa điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, Cục đã tập trung cải thiện năng lực quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin nhằm bảo đảm môi trường công nghệ, an toàn thông tin mạng.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lâm nghiệp các cấp trong thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành lâm nghiệp. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo Phó Cục trưởng Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng, công tác chuyển đổi số đang đặt ra nhiệm vụ khá nặng nề cho ngành lâm nghiệp.
Với kế hoạch này, ngành xác định các lộ trình triển khai để đáp ứng mục tiêu chung của quốc gia về chuyển đổi số. Đặc thù rừng Việt Nam trải dài từ bắc chí nam, chủ yếu ở vùng núi cao, hiểm trở, nên việc ứng dụng công nghệ số có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, với diện tích rừng hơn 14 triệu héc-ta, do nhiều đối tượng khác nhau đang quản lý và sử dụng cho nên ứng dụng công nghệ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận đối tượng sử dụng, cơ sở hạ tầng…
Thực hiện chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, đến nay, Cục Kiểm lâm đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo cháy rừng, ứng dụng trong phân cấp nguy cơ cháy rừng. Chuyển đổi số cũng đang được tiến hành tại hơn 90 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo vệ cảnh quan. Các vườn quốc gia cùng các nhà khoa học lâm nghiệp đã tạo ra các thuật toán để thu ảnh, viết các phần mềm để sử dụng nội bộ.
Cán bộ quản lý đơn vị thông qua điện thoại có thể cập nhật diễn biến tài nguyên rừng. Việc cảnh báo tự động cháy rừng giúp các lực lượng chức năng chủ động phòng chống và giảm thiểu thiệt hại xảy ra do cháy. Cùng với đó, hiện nay, các đơn vị quản lý rừng của ngành lâm nghiệp cũng đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý tài nguyên rừng bền vững.
Năm 2024, Cục Lâm nghiệp tập trung nâng cấp, cải tiến hệ thống nền thông tin quản lý ngành lâm nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu về cấu trúc, chuẩn hóa dữ liệu, bảo đảm cho việc cài đặt, tích hợp, kết nối các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành vào hệ thống. Cục đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thực hiện quản lý dữ liệu trên hệ thống FORMIS; nâng cấp và vận hành hệ thống báo cáo trực tuyến phục vụ quản lý điều hành, xử lý văn bản trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Cục duy trì ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung cải thiện năng lực quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ các cấp trong thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp…
Hiện nay, các vườn quốc gia Cúc Phương, Bạch Mã, Pù Mát, Cát Bà, Bù Gia Mập… đã áp dụng công nghệ số trong việc quản lý rừng và động vật quý hiếm, góp phần hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng. |