BVR&MT – Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Để Luật Đất đai năm 2013 đi vào đời sống người dân, hàng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Chư Păh phối hợp với Phòng Tư pháp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp tập huấn phổ biến pháp luật về đất đai cho đội ngũ công chức địa chính ở cấp xã. Nội dung tập huấn tập trung vào việc phổ biến các văn bản pháp luật mới; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ các thủ tục pháp lý, giải quyết đơn thư khiếu kiện… liên quan đến lĩnh vực đất đai. Bên cạnh đó, Phòng TN-MT còn phối hợp với các xã, thị trấn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng phổ biến rộng rãi các quyền lợi và nghĩa vụ mà người dân quan tâm như: kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế, tặng/cho quyền sử dụng đất; vận động bà con sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, không lấn chiếm đất trái quy định.
Cũng từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, Phòng TN-MT đã phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức 1.047 đợt tuyên truyền trực tiếp cho 66.015 lượt người; cấp phát 38.165 tài liệu, 802 tờ rơi về Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhờ vậy, nhận thức pháp luật về đất đai của người dân có sự chuyển biến rõ rệt. Tính đến nay, huyện Chư Păh đã cấp 58.236 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 28.366 ha, đạt 93% diện tích cần cấp.
Ông Nguyễn Văn Hiển – Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Păh-cho biết: Trước đây, do nhận thức pháp luật chưa cao và ảnh hưởng của phong tục tập quán, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng đất đai canh tác của ông bà, tổ tiên để lại nên không quan tâm các thủ tục pháp lý liên quan đến đăng ký quyền sử dụng đất. Vì vậy, khi bà con cần sang nhượng, cho thuê, cho, tặng, thế chấp gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Trần Văn Thuận-công chức Địa chính-Xây dựng xã Đak Tơ Ve-thông tin: Xã có 5 làng với 96% dân số là người dân tộc thiểu số. Trước đây, do nhận thức pháp luật về đất đai chưa cao và thủ tục liên quan rườm rà, phức tạp nên bà con rất ngại đến xã làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. “Từ khi triển khai làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai thì người dân rất quan tâm đến quyền lợi của mình. Nhờ vậy, tỷ lệ diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của xã đạt 85,9%; tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về đất đai được giải quyết ngay từ cơ sở, không có tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp”-anh Thuận cho biết.
Ông Han (làng Krăh, xã Đak Tơ Ve) bộc bạch: “Sau khi bố mẹ mình qua đời, do không bảo quản tốt nên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 3 sào đất ở cũng mất luôn. Khi được tuyên truyền về sự quan trọng của giấy tờ này, mình đã lên xã nhờ cán bộ hướng dẫn các thủ tục để cấp lại”.
Tương tự, thời gian qua, xã Hòa Phú chú trọng phát huy vai trò người có uy tín ở các làng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai. Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Rơ Châm Khoan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hreng-cho biết: “Làng có 267 hộ với 1.011 khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số. Để bà con thấy được quyền lợi của mình khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật. Thông qua đó, đến nay, hơn 70% số hộ trong làng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều hộ đã sử dụng giấy này để thế chấp vay vốn ngân hàng, đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ vậy, làng hiện chỉ còn 8 hộ nghèo”.
Trao đổi với P.V, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Păh cho biết thêm: “Thời gian tới, Phòng tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức địa chính ở các xã, thị trấn. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; hướng dẫn các xã, thị trấn làm tốt công tác hòa giải, giải quyết các tranh chấp về đất đai ngay từ cơ sở, không để các vụ phức tạp kéo dài ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương”.