BVR&MT – Từ đầu năm đến nay, cả nước đã để xảy ra hơn 100 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại khoảng 300 ha.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 905/CĐ-TTg yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống cháy rừng (PCCR), coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo, từ đầu tháng 6 đến nay, tại một số khu vực miền trung do nhiều ngày không mưa, nắng nóng gay gắt và hanh khô đang diễn ra trên diện rộng nên đã xảy ra cháy rừng.
Các vụ cháy xảy ra tại một số địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… gây thiệt hại về rừng, môi trường và ảnh hưởng đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, thời gian tới tình trạng nắng nóng và khô hạn sẽ còn diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng.
Các chuyên gia nhận định, tại các khu vực nêu trên, ở một số địa phương, nắng nóng sẽ còn tiếp tục diễn ra đến hết nửa đầu tháng 9. Đây cũng là khoảng thời gian thời tiết hanh khô và nắng gay gắt nhất trong năm, do đó, công tác PCCR cần được các địa phương chủ động trong mọi tình huống, nhất là thời điểm hiện nay, cả nước đang tập trung mọi lực lượng, dồn sức phòng, chống dịch Covid-19.
Xác định cộng đồng dân cư là lực lượng tại chỗ giúp chính quyền địa phương giám sát, quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, thời gian qua, tại nhiều địa phương có rừng, bên cạnh nâng cao ý thức, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, đã thành lập các tổ phòng cháy, chữa cháy tại các thôn, bản.
Lực lượng này thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phản ánh hiện trạng về môi trường rừng và được tập huấn qua các lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy.
Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của chính quyền các địa phương và cơ quan có trách nhiệm là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng xã hội về công tác PCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các chủ rừng kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy.
Cùng với việc ngăn chặn hiệu quả, tận gốc các hành vi có thể gây cháy rừng; chủ động các phương tiện, sẵn sàng lực lượng; chính quyền các địa phương, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật và trách nhiệm của người đứng đầu do buông lỏng quản lý để xảy ra cháy rừng…