BVR&MT – Thời gian qua, do nắng nóng kéo dài, tại các tỉnh phía bắc như Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La và Lai Châu đã liên tiếp xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại hàng chục héc-ta rừng. Trong đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra 14 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 16 ha rừng. Tại các tỉnh phía nam, gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang… cũng xảy ra nhiều vụ cháy rừng.
Đáng kể nhất là vụ cháy rừng tại khu vực Suối Tiên, thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu) gây thiệt hại khoảng 60 ha rừng. Tại tỉnh Kiên Giang, vụ cháy tại khu vực rừng tràm xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất đã gây thiệt hại khoảng 30 ha rừng… Riêng tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, mỗi năm, theo số liệu thống kê của ngành lâm nghiệp đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, trong đó phần lớn các vụ cháy xảy ra trên núi cao, địa bàn hiểm trở, xa nguồn nước, các phương tiện và lực lượng tiếp cận khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác cứu hỏa. Nguyên nhân là do người dân ở một số nơi đốt lửa làm nương rẫy để lửa cháy lan; sử dụng lửa bất cẩn khi bắt ong; đốt thực bì, cỏ khô, rơm rạ để làm nương rẫy gần rừng…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng – Thủy văn quốc gia, hiện nay, tại các địa phương có rừng thuộc khu vực tây Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ vẫn đang trong thời kỳ cao điểm của đợt nắng nóng. Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã cảnh báo, trên cả nước, nhiều địa phương có rừng đang có nguy cơ cháy rừng cao, trong đó rừng tại các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc có nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V). Đồng thời, đề nghị các chủ rừng, chính quyền các địa phương thực hiện ngay biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn gửi các địa phương có rừng. Theo đó, đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống cháy rừng. Bảo đảm lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tuần tra ở những khu vực nguy cơ cháy rừng cao, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện phương châm bốn tại chỗ trong công tác chữa cháy rừng. Chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý những tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi cháy rừng xảy ra. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật huy động lực lượng, phương tiện trong trường hợp cần thiết, điều tra làm rõ đối tượng, nguyên nhân gây cháy, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm.
Đợt nắng nóng còn tiếp diễn tại một số khu vực, sắp tới cả nước lại có một đợt nghỉ lễ kéo dài. Nhiều địa phương có rừng sẽ đón một lượng khách lớn đến tham quan, du lịch. Đây cũng là thời điểm dễ xảy ra cháy rừng. Do vậy, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Bố trí lực lượng thường trực trong ngày, canh phòng ở những khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao; hướng dẫn quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, việc sử dụng lửa của khách tham quan tại các khu rừng danh lam thắng cảnh, khu du lịch, khu lễ hội ở gần rừng, kiên quyết không để phát sinh nguồn lửa gây cháy rừng.