BVR&MT – Đây là thông tin nổi bật được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 do Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức tại Hà Nội sáng 24/12/2018.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu là đại diện một số Bộ/ ngành có liên quan; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các chương trình, dự án, tổ chức quốc tế và tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Lâm nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dự và chỉ đạo Hội nghị.
Năm 2018, các chỉ tiêu chính của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 41,65%, tăng 0,2% so với năm 2017, vượt mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,12% – cao nhất trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Giảm 22% số vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 35% diện tích thiệt hại. Trồng rừng tập trung đạt 231.523 ha, bằng 118,7% kế hoạch năm, trong đó: rừng phòng hộ, đặc dụng 15.070 ha, đạt 100,5%; rừng sản xuất 216.453 ha, đạt 120,3% kế hoạch.
Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành NN&PTNT. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% giá trị. Đặc biệt, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt 6,99 tỷ USD chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành.
Thị trường xuất khẩu lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Sản lượng khai thác gỗ năm 2018 đạt 27,5 triệu m3, trong đó từ rừng trồng tập trung 18,5 triệu m3, tăng 3% so với 2017; cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3, đáp ứng được khoảng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Tổng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản khoảng 4.500 doanh nghiệp, với 1.863 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu, trong đó khối FDI có trên 700 doanh nghiệp, đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ.
Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào thị trường quốc tế. Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, tập trung tại một số thị trường chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.
Sau hơn 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên Minh Châu Âu cũng đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị Rừng và thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) vào tháng 10/2018.
Dịch vụ môi trường rừng thu hơn 2.859 tỷ đồng, đạt 122,7% kế hoạch và tăng 68% so với năm 2017.
Tuy vậy, Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành cũng vẫn còn một số hạn chế như đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn chưa được quan tâm bố trí đủ vốn; nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, trồng rừng có chứng chỉ. Công tác bảo vệ rừng, PCCCR tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn những điểm nóng gây dư luận không tốt trong xã hội…
Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh Tổng cục và toàn Ngành cần bám sát kế hoạch năm 2019 để chủ động thực hiện. Tập trung vào các giải pháp để có chuyển biến hơn nữa trong tái cơ cấu lâm nghiệp. Phấn đấu giảm 10% số vụ vi phạm và 20% về diện tích thiệt hại so với năm 2018. Nâng tỷ lệ che phủ lên 41,85%. Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 10,5 tỷ USD. Thực hiện tốt việc giám sát, kiểm tra, khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ nguồn hợp pháp. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.630 tỷ đồng.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo, Ngành cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định, hướng dẫn kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020 để làm cơ sở xây dựng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo. Nghiên cứu chính sách bảo hiểm cho rừng trồng, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong truy xuất nguồn gốc gỗ. Thể chế hóa các cam kết của Hiệp định VPA – FLEGT,…
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam