BVR&MT – Các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc nên cân nhắc triển khai các phương pháp chống rửa tiền (AML) bằng cách theo dõi dòng tiền để ngăn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã và giúp khám phá những mạng lưới tội phạm quy mô đang tác động tiêu cực đến các loài và hệ sinh thái toàn cầu, theo TRAFFIC.
Theo dõi thị trường trực tuyến trong thời gian dài, TRAFFIC nhận thấy tội phạm thường lợi dụng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng trực tuyến của Trung Quốc để bán các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nếu được các ngân hàng và nền tảng trực tuyến của Trung Quốc ủng hộ, các chiến lược chống rửa tiền có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tăng rủi ro buôn lậu động vật hoang dã và xác định các mạng lưới tội phạm rộng lớn hơn.
Hiện tập đoàn Tencent của Trung Quốc đã bắt đầu chú ý đến việc sử dụng phương pháp tiếp cận chống rửa tiền trong cuộc chiến chống tội phạm động vật hoang dã nhưng nhận thức và kỹ năng tổng thể được áp dụng trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc cần được nâng cao, cải thiện hơn nữa. Ở Trung Quốc, các cuộc điều tra và truy tố vẫn chủ yếu dựa vào các cáo buộc săn trộm hoặc buôn lậu, đồng thời, tội phạm tài chính hầu hết đều bị bỏ sót và không bị điều tra sâu để xác định và đưa những đối tượng thu lợi nhiều nhất từ buôn lậu động vật hoang dã ra trước công lý, giám đốc dự án TRAFFIC AML Linda Chou cho biết.
Để giải quyết thách thức trên, TRAFFIC đang phát triển hướng dẫn về việc triển khai AML cho các cơ quan thực thi và tư pháp, đồng thời phối hợp với tổ chức chống tội phạm tài chính toàn cầu ACAMS phát triển mô đun tập huấn cho các tổ chức tài chính và nền tảng thanh toán của bên thứ ba.
Tencent là một trong những nền tảng đã tham gia chương trình tập huấn bởi tập đoàn này sớm nhận thấy dịch vụ thanh toán di động WeChat pay có thể bị tội phạm sử dụng để rửa tiền từ buôn bán trái phép động vật hoang dã. Năm 2019, Tencent nhận được gần 10.000 báo cáo về việc buôn bán trái phép động vật hoang dã từ người dùng WeChat. Tổng cộng 2.000 tài khoản WeChat có các sản phẩm động vật hoang dã bị cấm mua bán đã bị cảnh cáo hoặc đóng cửa. Với sự hỗ trợ của Tencent, cơ quan thực thi pháp luật đã triệt phá một mạng lưới tội phạm và bắt giữ 129 nghi phạm, thu 216 cá thể tê tê sống, 66 kg vảy tê tê, 20 sừng linh dương và một loạt sản phẩm động vật hoang dã khác, đồng thời tịch thu hơn 18 triệu nhân dân tệ năm 2018.
Nhằm cải thiện năng lực nhóm AML trong phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, Tencent đã hợp tác với TRAFFIC và Cục cảnh sát lâm nghiệp tỉnh Quảng Đông. Tại buổi tập huấn ở Tencent Chengdu, TRAFFIC nhấn mạnh các quy định pháp luật liên quan, các phương thức thanh toán hoặc giao dịch tội phạm được sử dụng trong tội phạm rừng và động vật hoang dã cũng như kỹ năng xác định các loài thường được giao dịch trực tuyến cho nhóm AML của Tencent và nhân viên dịch vụ khách hàng chịu trách nhiệm để xử lý các báo cáo buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Cảnh sát lâm nghiệp tỉnh Quảng Đông cũng chia sẻ những thách thức trong việc trấn áp buôn bán trái phép động vật hoang dã trực tuyến và thực hiện theo dõi dòng tiền trong điều tra tội phạm động vật hoang dã, đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật và Tencent nhằm phát hiện buôn lậu động vật hoang dã trên WeChat kết hợp giám sát các giao dịch đáng ngờ liên quan đến vấn nạn này.
“Đây là lần đầu tiên cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc trao đổi quan điểm với khu vực tư nhân về việc chống buôn lậu động vật hoang dã thông qua cách tiếp cận AML và là một bước đi rất tích cực”, Giám đốc TRAFFIC Trung Quốc Ling XU cho biết.
Được biết, nhóm AML của TRAFFIC muốn mở rộng phạm vi sang tất cả các loại hình tội phạm môi trường và thúc đẩy sự hợp tác đa bên để cải thiện việc trao đổi thông tin và năng lực của nhóm trong việc chống lại động vật hoang dã và tội phạm rừng.
Ý Nhi