Chờ “sâu đục thân” để làm giàu

BVR&MT – Nghe có vẻ vô lý bởi xưa nay sâu đục thân là một trong những loại côn trùng gây thiệt hại mùa màng cho bà con làm nông. Tuy nhiên về mảnh đất Phúc Trạch (Hương Khê – Hà Tĩnh) – thủ phủ trồng cây gió trầm mới thấy sâu đục thân lại là “của trời cho”.

Xưa nay xã Phúc Trạch không chỉ nổi tiếng làm giàu từ bưởi Phúc Trạch mà việc trồng, khai thác và chế tạo trầm hương cũng đã mang đến niềm vui và hiệu quả kinh tế, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, trở thành tỷ phú nhờ trầm hương – thứ được ví như là “linh khí của đất trời”.

Sâu đục nhiều – người dân phấn khởi

Trầm hương chắc hẳn nhiều người đã được nghe nhưng công đoạn chế tác lấy được trầm để tạo ra các sản phẩm tiêu dùng thì có lẽ không phải ai cũng biết. Là cây gỗ lớn, có chiều cao trung bình từ 15-25m, có tuổi từ 4-5 năm sẽ bắt đầu ra hoa kết trái. Người dân nơi đây cho biết, cây gió trầm hợp với thổ nhưỡng nên rất dễ trồng và cây phát triển tốt. Cây gió trầm phải trải qua một khoảng thời gian khá dài (từ 10 năm trở lên) mới có thể khai thác được.

Không phải cây dó trầm nào cũng có thể tạo ra trầm hương, nên nhiều cây không có sâu ăn, người dân phải dùng vật sắc nhọn để đục, khoan thân cây thành các lỗ nhỏ để tạo trầm nhân tạo.

Có 2 loại gió trầm: trầm tự nhiên và trầm nhân tạo. Trầm tự nhiên tức là cây gió trầm bị một loại sâu gỗ đục khoét ăn sâu vào trong thân cây, sau đó, cây gió trầm sẽ tiết ra các chất dịch gọi là trầm hương. Trầm tự nhiên này có giá trị kinh tế lớn, vì có hàm lượng tinh dầu cao. Chính bởi vậy mới có nghịch lý, sâu đục thân cây nhiều thì niềm vui của bà con cũng nhân đôi. Còn trầm nhân tạo thì người dân sẽ dùng các dụng cụ can thiệp vào cây gió trầm tạo ra các vết thương, để cây tiết ra các chất dịch. Sau khi thu hoạch cây gió trầm từ vườn về, những người thợ ở làng gió trầm sẽ tiến hành xử lý qua từng giai đoạn rất khéo léo và tỷ mỹ. Ngày nay, người dân đã có nhiều phương pháp can thiệp để cây gió sinh trầm, việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian tạo trầm.

Trầm tự nhiên có giá trị kinh tế lớn vì có hàm lượng tinh dầu cao.

Việc khai thác gỗ trầm hương tự nhiên ở Hà Tĩnh diễn ra sôi động vào những năm 80, 90 của thế kỉ 20 khiến cho sản lượng trầm hương tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Để bù đắp lượng trầm hương tự nhiên bị hao hụt người dân nơi đây đã tăng cường trồng và mở rộng diện tích cây gió trầm đến nay lượng trầm hương tự nhiên khai thác được từ Hà Tĩnh không ngừng tăng lên. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo, trở thành tỷ phú nhờ trầm hương.

Phất lên nhờ trầm hương

Ghé thăm thủ phủ trầm hương, ai cũng bảo rằng “két sắt để ngoài vườn” quả không sai. Nguyễn Thành Trung (SN 1984, xóm 7, xã Phúc Trạch) cho biết, gia đình anh có hơn 1000 gốc trầm với độ tuổi từ 4 đến 20 năm. Một năm cây gió trầm mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập từ 100 triệu đến 200 triệu đồng.

Hiện nay, mỗi kg gỗ gió trầm thành phẩm có giá dao động từ 3 – 15 triệu đồng, những cây có trầm đặc biệt lâu năm giá lên đến 30 triệu đồng/kg, thậm chí cao hơn tuỳ vào chất lượng trầm. Không chỉ trồng cây, buôn bán gỗ nguyên liệu, người dân xã Phúc Trạch còn chế tác nhiều sản phẩm độc đáo để gia tăng giá trị sản phẩm.. Như anh Đinh Công Tuấn, ngoài việc gạn lấy trai, anh còn gạn trầm cảnh, làm vòng trầm (vòng đeo tay), làm hương trầm nụ… với giá bán cũng không rẻ.

Cây càng lâu năm thì chất lượng trầm càng tốt. Loại trầm được ưa chuộng và giá cao nhất là trầm được tạo nên bằng cách tự nhiên trên 30 năm tuổi.

Riêng về trầm cảnh, có những khúc chỉ nặng hơn 1 kg nhưng có giá đến hàng trăm triệu đồng. Theo người dân địa phương, chất lượng trầm thường được đánh giá qua độ dầu, tức là dầu càng nhiều thì trầm càng sánh, càng có giá trị cao. Về giá trầm không có định mức cụ thể theo cân nặng, kích cỡ như các loại sản phẩm kinh doanh khác mà chỉ theo đánh giá cảm quan của người mua và người bán.

Khúc trầm nguyên liệu không bỏ đi phần nào. Các loại dăm (xác xỉa) đều được tận dụng để chế tinh dầu, làm nhang, giá từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng mỗi kg. Giá bán của trầm hương rất đa dạng từ vài triệu đến vài trăm triệu hay tiền tỷ cũng có tùy vào chất lượng trầm. Ngoài ra, phần xác tỉa từ giác gỗ dó bầu cũng được tận dụng bán cho người làm nhang, nấu dầu, nước hoa với giá 500.000 đồng/kg.

Ngày nay người dân đã sáng tạo hơn trong việc sản xuất những sản phẩm từ cây gió trầm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuổi 34, anh Phạm Văn Vinh trú thôn 8, xã Phúc Trạch, Hương Khê (Hà Tĩnh) đã trở thành ông chủ của một cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ từ trầm hương, tạo việc làm cho nhiều người dân ở xóm. Xuất thân trong một gia đình nông dân, cha mất sớm, từ nhỏ anh Vinh đã phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Sau 7 năm khởi nghiệp từ bàn tay trắng, anh Vinh đã có chỗ đứng trong nghề sản xuất trầm. Những sản phẩm như tinh dầu, cây trầm cảnh, vòng trầm được xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích gió trầm là 3.100 ha bao gồm: 960,0 ha rừng trồng tập trung và 2.140 ha trồng phân tán (Quy đổi 700 cây tính 1 ha). Diện tích rừng tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Can Lộc và Vũ Quang. Nhận thấy một số điểm hạn chế trong cong tác trồng, sản xuất nhưng giá trị đem lại rất cao, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký kết hợp tác phát triển dó trầm và sản phẩm trầm hương Hà Tĩnh với Hội Trầm hương Hàn Quốc (KAA). Theo đó, phía KAA sẽ hỗ trợ Hà Tĩnh nâng chất lượng trầm hương sản xuất tại các địa phương lên bằng 90% trầm hương tự nhiên (hiện tại trầm hương trồng tại các hộ dân chất lượng trầm thấp hơn tự nhiên 30%). Đồng thời, lựa chọn nhân lực của Hà Tĩnh đào tạo thành chuyên gia thẩm định trầm và sản xuất, đưa sản phẩm trầm hương đến với các thị trường Mỹ, châu Âu và toàn thế giới.

UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định gió trầm là cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao và đang có lợi thế phát triển tại địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh mong muốn KAA hỗ trợ các chuyên gia, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu trầm hương sạch chất lượng cao từ khâu chọn giống, gây trồng, phát triển, khai thác và chế biến sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi khép kín.

Hà Linh