Chính thức thực hiện trách nhiệm tái chế với sản phẩm điện, điện tử từ 1/1/2025

BVR&MT – Từ ngày mai, 1/1/2025, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sản phẩm điện – điện tử sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

Chính thức thực hiện trách nhiệm tái chế với sản phẩm điện, điện tử từ 1/1/2025. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện – điện tử sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm theo quy định từ ngày mai, 1/1/2025.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết theo quy định tại Điều 77 và Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các sản phẩm điện – điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế gồm: Tủ lạnh, tủ đông, thiết bị tự động cung cấp sản phẩm đông lạnh, máy bán hàng tự động; điều hòa không khí cố định, di động; máy tính bảng, máy tính xách tay; ti vi và màn hình máy tính.

Một số sản phẩm điện – điện tử khác cũng phải thực hiện trách nhiệm tái chế là bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, lò vi sóng; máy giặt, máy sấy; máy ảnh, máy quay phim; thiết bị âm thanh (loa, amply); máy tính để bàn; máy in, photocopy; điện thoại di động; tấm quang năng; bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang.

Tuy vậy, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng lưu ý nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện – điện tử sẽ không phải thực hiện trách nhiệm tái chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Sản xuất sản phẩm, bao bì để xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất sản phẩm, bao bì; sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (không vì mục đích thương mại); nhà sản xuất bao bì có doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.

Về hình thức thực hiện, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng, cho hay theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu điện – điện tử được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm theo hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được chọn một trong hai hình thức trên. Trong trường hợp chọn tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu không phải thực hiện đóng góp tài chính; nếu lựa chọn đóng góp tài chính thì không thực hiện tổ chức tái chế.

Trong trường hợp lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, nhà sản xuất, nhập khẩu điện – điện tử có thể chọn phương án tự thực hiện tái chế, hoặc thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế, ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế; hoặc kết hợp cả 3 cách thức nêu trên.

Trường hợp lựa chọn tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hằng năm. Trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính thì phải kê khai và đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Về thời hạn báo cáo kết quả thực hiện trách nhiệm tái chế, nếu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu đăng ký kế hoạch tái chế hằng năm và báo cáo kết quả tái chế của năm trước về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3 hằng năm; trường hợp ủy quyền toàn bộ cho bên được ủy quyền thì bên được ủy quyền có trách nhiệm đăng ký, báo cáo thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu.

Nếu lựa chọn đóng tài chính, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng phải tự kê khai và gửi bản kê khai số tiền. Trước ngày 20/4 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc có thể lựa chọn nộp tiền thành hai lần: Lần thứ nhất nộp tối thiểu 50% tổng số tiền trước ngày 20/4 và lần thứ hai nộp số tiền còn lại trước ngày 20/10 cùng năm.

Theo thống kê của Vụ Pháp chế – Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến thời điểm ngày 30/12/2024, sau gần 3 năm thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR), các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ đã nộp tổng số tiền khoảng 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải./.

NGUỒNvietnamplus.vn
Tags:
CHIA SẺ