BVR&MT – Chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy, tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2023.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021), sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp các hộ gia đình được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Nghĩa là từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức không còn giá trị sử dụng. Thay vào đó, cơ quan quản lý cư trú sẽ cập nhật và quản lý thông tin cư trú của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.
Tuy nhiên, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hiện là những giấy tờ quan trọng và cần thiết cho nhiều thủ tục hành chính. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ khiến cho việc thực hiện các thủ tục hành chính gặp nhiều vướng mắc, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Để giải quyết vấn đề này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 104 sửa đổi hàng loạt các thủ tục hành chính có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Theo đó, từ ngày 1/1/2023, người dân có thể sử dụng Căn cước công dân thay cho sổ hộ khẩu giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Tăng độ tuổi nghỉ hưu với người lao động
Theo đúng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu được ghi nhận tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2023 của người lao động sẽ tiếp tục tăng so với năm 2022.
Lao động nam: Từ đủ 60 tuổi 9 tháng (tăng 3 tháng so với năm 2022).
Lao động nữ: Từ đủ 56 tuổi (tăng 4 tháng so với năm 2022).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đây là độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, song vẫn có trường hợp người lao động được về hưu sớm hơn 5 năm, thậm chí là 10 năm như: Bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn…
Tăng phụ cấp cho người làm ngành y
Theo Nghị quyết 69 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, có nội dung thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ ngày 1/1/2023.
Việc tăng phụ cấp ưu đãi nghề sẽ được thực hiện dựa trên Kết luận số 25 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có Nghị định mới được ban hành để thay thế/sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP về phụ cấp ưu đãi nghề cho người làm trong ngành y tế.
Hiện tại, Bộ Y tế mới đang đề xuất: Tăng mức phụ cấp từ 40% lên 100% cho viên chức trực tiếp, thường xuyên làm chuyên môn y tế dự phòng. Viên chức làm việc ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh… sẽ được bổ sung mức hưởng phụ cấp ưu đãi nghề là 100%.
Cảnh sát cơ động được mang vũ khí lên máy bay khi làm nhiệm vụ
Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, xác định CSCĐ sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố.
Điều 10 của Luật quy định 7 quyền hạn của CSCĐ, trong đó, có một số quyền hạn mới so với pháp lệnh.
CSCĐ sẽ được mang theo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên máy bay dân sự khi chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.
CSCĐ cũng được áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Ngoài ra, CSCĐ được ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng.