BVR&MT – Theo Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, năm 2022, ước tính tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổng hợp, công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc, cụ thể: Tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 5,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,15%).
Năm 2022, Chính phủ đã ban hành cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; ban hành Nghị quyết về phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và quy định tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025; giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025.
Đây là những hành lang pháp lý quan trọng triển khai kế hoạch giảm nghèo tại các địa phương. Theo đó, các cấp địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và năm 2022.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì Chương trình, đã thành lập Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác; kiện toàn Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương triển khai Chương trình.
Giai đoạn 2021-2025, Nhà nước phân bổ 45.070 tỷ đồng; trong đó, phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương là hơn 3.009 tỷ đồng vốn sự nghiệp, phân bổ cho các địa phương là hơn 42.060 tỷ đồng (gồm: 18.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 24.060 tỷ đồng vốn sự nghiệp)…
Năm 2022, Nhà nước phân bổ 8.620 tỷ đồng (gồm: vốn đầu tư phát triển là 6.000.000 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 2.620.000 triệu đồng). Cơ quan Chủ Chương trình đã hướng dẫn về phạm vi, đối tượng phân bổ vốn Chương trình năm 2022.
Tính từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức vận động 3.534 tỷ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội.
Năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các địa phương chủ động tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững; về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn.
Đơn cử như với dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các huyện nghèo triển khai 1.068 công trình đầu tư gồm: Công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình giáo dục, công trình y tế, công trình khác.
Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo với 182 công trình đầu tư, gồm: Công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình giáo dục, công trình y tế, công trình khác.
Còn với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo triển khai 525 dự án gồm: Dự án trồng trọt, dự án chăn nuôi, dự án khác….
Theo Bộ LĐTBXH, ước kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế như: Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp; quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình còn chậm so với yêu cầu tiến độ.
Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ do sự chậm trễ của một số bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí, thẩm định nguồn vốn thực hiện Chương trình; Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình chưa bố trí thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở” cho người nghèo.
Do đó, Bộ LĐTBXH kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”. Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả, đúng quy định.
Các địa phương đổi mới phương thức hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo; hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Các bộ ban ngành tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành. Chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Các bộ ban ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông; nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát thực hiện giảm nghèo; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giảm nghèo; Huy động một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế để triển khai các Chương trình hỗ trợ một số địa bàn nghèo phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.