BVR&MT – Xung đột giữa Nga và Ukraina được cho là sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu khi xe tăng, máy bay phản lực, các đoàn xe vận tải không ngừng tiêu hao nhiên liệu hóa thạch, trong khi các quốc gia lân cận không ngừng tăng cường chi tiêu quân sự.
Chiến tranh là địa ngục và tiêu tốn cực kỳ nhiều năng lượng. Từ những chiếc máy bay chiến đấu, xe tăng, các tàu sân bay, nhân sự, xe tải hỗ trợ, cho đến hệ thống máy phát điện chạy liên tục trên các căn cứ, các cơ sở hạ tầng bị bốc cháy, tất cả đều tiêu tốn rất nhiều năng lượng và thải các đám mây carbon vào bầu khí quyển.
Cuộc chiến giữa Nga vào Ukraine rõ ràng là một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi quân đội Nga thường xuyên nhắm vào các mục tiêu có dân thường. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn khác cũng diễn ra đồng thời: Các cỗ máy, vũ khí quân sự phát thải nhiều carbon khiến Trái Đất nóng lên, làm tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.
Đoàn xe dài 40 dặm của Nga chạy dọc bên ngoài thủ đô Kyiv, các phương tiện quân sự của Ukraine và các quốc gia Đông Âu đang thực hiện nhiều cuộc tuần tra hơn dọc theo biên giới với sự giúp đỡ của Mỹ khiến lượng nhiên liệu bị đốt cháy ngày càng nhiều hơn.
Nhà khoa học chính trị Oliver Belcher, Đại học Durham bình luận: “Nhiên liệu máy bay phản lực là loại khí thải bẩn nhất. Máy bay phản lực cũng là loại vũ khí gây ô nhiễm mạnh do lượng nhiên liệu tiêu thụ rất lớn.”
Tuy nhiên, rất khó để đưa ra con số chính xác lượng carbon phát thải trong cuộc chiến Nga – Ukraina tính tới thời điểm này. Số liệu thống kê hiện có về lượng khí thải quân sự đều đến từ các nghiên cứu của Mỹ và Liên minh Châu Âu, không phải Nga hay Ukraine. Sử dụng số liệu về mức tiêu thụ nhiên liệu của lực lượng vũ trang là cách đơn giản nhất để ước tính lượng khí thải, nhưng cách tính này không hoàn toàn chính xác.
Tuy vậy, vẫn có một phương pháp khác để đánh giá ảnh hưởng của cuộc xung đột tới môi trường. Năm ngoái, Cơ quan Giám sát Xung đột và Môi trường, của Nhóm Cánh tả Nghị viện Châu Âu đã thực hiện cuộc khảo sát ước tính lượng khí thải carbon trong lĩnh vực quân sự của Châu Âu. Đặc biệt, họ cũng xem xét cả lượng khí thải gián tiếp, ví dụ như lượng khí thải từ chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp quốc phòng hỗ trợ cho các hoạt động quân sự. Sản xuất tên lửa và đạn dược cần nhiều năng lượng, quá trình vận chuyển hàng hóa còn cần sử dụng nhiều năng lượng hơn.
Mặc dù còn thiếu dữ liệu, song các nhà nghiên cứu của Cơ quan Giám sát tính toán rằng, lượng khí thải quân sự của Châu Âu năm 2019 tương đương với 14 triệu xe ô tô. Trong khi đó, năm 2017, quân đội Mỹ đã mua 270.000 thùng dầu mỗi ngày, khiến nước này trở thành đơn vị tiêu thụ hydrocacbon lớn nhất thế giới. Chỉ riêng Không quân Mỹ đã phải chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng khí thải đó, bởi vì máy bay thường di chuyển quãng đường dài và thải ra khí carbon ở độ cao lớn, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu gấp 4 lần so với lượng khí thải trên mặt đất.
Việc định lượng khí thải chiến tranh không chỉ bao gồm tính toán lượng nhiên liệu quân đội sử dụng cho các phương tiện vận hành, mà còn bao gồm những vũ khí, trang thiết bị bị chiến tranh phá hủy. Sau mỗi cuộc xung đột, các nhà nghiên cứu sẽ phải kiểm kê xem có bao nhiêu carbon đã bị đốt cháy, chẳng hạn như nhiên liệu, đạn dược tiêu hao khi một chiếc xe tăng bị phá hủy.
Những cuộc di cư hàng loạt của người dân trong thời chiến cũng tiêu tốn nhiều năng lượng. Cho đến nay, khoảng 2 triệu người đã sơ tán khỏi Ukraine bằng xe lửa và xe buýt. Khí thải cũng đến từ môi trường xây dựng: từ việc các khu chung cư bị bốc cháy, các đường dây dẫn khí bị hỏng, các kho nhiên liệu và đạn dược bốc khói nghi ngút, cho đến việc người dân chuyển sang sử dụng máy phát điện diesel mỗi khi bị cúp điện. Và khi chiến tranh kết thúc, các đội xây dựng sẽ phải bắt đầu công việc dọn dẹp bằng máy móc hạng nặng. Việc tái xây dựng sẽ cần đến xi măng và bê tông – những thứ cần sử dụng nhiều carbon để sản xuất.
Viễn cảnh về một châu Âu ngày càng quân sự hóa là viễn cảnh về một lục địa phát thải nhiều khí nhà kính hơn nữa khi tình hình chiến sự căng thẳng. Neta C. Crawford, Giám đốc điều hành Chương trình Chi phí Chiến tranh tại Đại học Boston cho biết: “Một trong những hậu quả lâu dài hơn của cuộc chiến này có thể đến từ việc Mỹ không giảm lượng khí thải quân sự, bởi vì họ tin rằng họ cần phải hiện diện mạnh mẽ hơn ở châu Âu.”
Cuối tháng trước, Đức đã tăng chi tiêu quân sự lên 113 tỷ USD nhằm đối phó với xung đột. Nếu các quốc gia khác theo chân Đức thì lượng khí thải liên quan đến xây dựng và duy trì các lực lượng quân sự sẽ ngày càng nhiều hơn. Chẳng hạn, một lực lượng không quân đầu tư một máy bay phản lực mới sẽ cần lượng nhiên liệu để sử dụng nó trong nhiều thập kỷ.
Belcher cho biết: “Phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm với việc cần một lượng lớn nhiên liệu để vận hành trong một khoảng thời gian dài. Chúng ta đang đổ thêm dầu vào lửa theo đúng nghĩa đen trong nhiều năm qua”.
Cuộc chiến ở Ukraina còn dẫn đến sự phân tâm chính trị khỏi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Eoghan Darbyshire, chuyên gia nghiên cứu tại Cơ quan Giám sát Xung đột và Môi trường nhận định: “Xung đột này sẽ chi phối các chương trình tin tức và chương trình chính trị trong nhiều tháng, và có thể lâu hơn. Điều này sẽ có thể cản trở rất nhiều tiến bộ đã được đồng thuận tại Hội nghị khí hậu COP26 vừa qua. Các chính phủ không còn chú ý đến khí hậu và đột ngột quan tâm nhiều hơn đến an ninh năng lượng.”
Chiến tranh cũng có thể làm gián đoạn công việc của các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu Nga, những người đang nghiên cứu quá trình tan băng nhanh ở Siberia – nơi lưu trữ một lượng lớn carbon dưới lớp băng dày. Điều này sẽ tạo ra khoảng trống dữ liệu nghiêm trọng trong hiểu biết khoa học về quá trình này.
Về mặt tích cực, việc EU và Mỹ từ chối nhập nhiên liệu hóa thạch của Nga có thể thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Nhiều năng lượng xanh hơn có thể bù đắp ít nhiều hậu quả lâu dài, tàn khốc của cuộc chiến này – cuộc chiến đưa đến một hành tinh thậm chí còn nóng hơn, kém ổn định hơn về mặt chính trị.
Thùy Dung (Theo The Wired)