BVR&MT – Theo báo cáo của UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, tính đến tháng 11/2019. Trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM giai đoạn 2010-2019 là 1.379,276 triệu đồng.
Nhận thức được tầm quan trọng của yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, cán bộ đảng viên và nhân dân đã thực sự quan tâm và tham gia tích cực đối với phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Vì vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất tiếp tục tăng đặc biệt trong phát triển các loại cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; nhận thức, tư duy của nhân dân về đổi mới tổ chức sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch theo hướng hàng hóa được nâng cao.
Trong đó, Ông Lành Văn Lôi, thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia cầm, lợi nhuận thu được 500 triệu đồng/năm, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, có mô hình sản xuất Na gối vụ, lợi nhuận thu được từ 30 triệu đồng/năm trở lên, được bình chọn nhận giải thưởng “Sao Thần nông – Cho mùa bội thu” do Đà Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội nông dân Việt Nam tổ chức thực hiện; Ông Lý Văn Mão, thôn Đồng Ghè, xã Quan Sơn, mô hình phát triển trồng rừng lợi nhuận thu được trên 500 triệu đồng/năm; bà Lương Thị Huê, thôn Nam Lân 2, xã Y Tịch, mô hình trồng cây ăn quả (Na, Hồng, Quýt, Lúa) kết hợp chăn nuôi lợn, gà, lợi nhuận thu được 470 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, mô hình trồng cây ăn quả (Ba Bưởi diễn) và chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt), lợi nhuận thu được 400 triệu đồng/năm.
Một số vùng sản xuất tập trung đã được hình thành nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đã xây dựng và phát triển được các vùng sản xuất nông nghiệp có thế mạnh tập trung: Vùng nguyên liệu thuốc lá với quy mô gần 800 ha; Vùng lạc với quy mô 500 ha trở lên; Vùng ớt (Năm 2019, diện tích cây ớt đạt trên 500 ha), áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa các giống năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; Vùng trồng cây na với quy mô 1.650 ha trở lên; Vùng hồi với quy mô 1.400 ha trở lên; Vùng thông với quy mô trên 12.000 ha; Vùng keo, bạch đàn với quy mô trên 14.000 ha, vận động người dân đầu tư thâm canh, chăm sóc để rừng phát triển tốt.
Tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản đặc sản của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là thương hiệu Na Chi Lăng, nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt trong 03 năm 2017, 2018, 2019 huyện Chi Lăng đã phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức thành công Ngày hội Na Chi Lăng. Các hoạt động quảng bá về Ngày hội Na Chi Lăng, sản phẩm na sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP cùng với mẫu mã, bao gói đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng, thương hiệu na Chi Lăng được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tin dùng giúp cho sản phẩm Na Chi Lăng.
Năm 2019, diện tích na khoảng 1.650 ha, sản lượng ước đạt 16.500 tấn, giá bán bình quân đạt 40.000 đồng/kg, giá trị sản xuất na năm 2019 ước đạt gần 700 tỷ đồng tăng gấp 02 lần so với năm 2016. Thương hiệu Na Chi Lăng đã vinh dự được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam vinh danh và trao cúp vàng chứng nhận là thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng trong tốp 10 “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” trong 02 năm liên tiếp (năm 2018, 2019).
Tập trung đổi mới và phát triển mạnh hệ thống dịch vụ công theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, xây dựng đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Duy trì các thị trường truyền thống, tiếp tục tìm kiếm thị trường mới. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thành lập các hiệp hội ngành, hàng để điều phối hoạt động sản xuất, hỗ trợ thông tin, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Văn Trì.