BVR&MT – Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhìn chung tổng số vụ cháy và mức độ ảnh hưởng trong mùa Hè này tại các vùng thuộc Bắc Cực là nhiều nhất trong vòng 16 năm qua.
Theo thống kê, chỉ trong mùa Hè này ở vùng Siberia, có đến hàng trăm vụ cháy, gây ra thiệt hại trải dài trên 120 triệu ha rừng.
Tháng 6 vừa qua, hơn 100 vụ hỏa hoạn ở mức nguy hiểm trên những cánh rừng taiga đã được ghi nhận. Nhiệt độ vùng Siberia cao hơn đến 10 độ C so với mức trung bình trong gần 30 năm từ 1981-2010.
Ở Alaska (Mỹ), 400 vụ cháy rừng đã bùng phát chỉ trong tháng 7 vừa qua. Đặc biệt, ngày 6/7, nhiệt độ ở vùng đất cận cực này lên đến 32,2 độ C, phá vỡ kỷ lục từng được ghi nhận ở tiểu bang xa xôi của nước này.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhìn chung tổng số vụ cháy và mức độ ảnh hưởng trong mùa Hè này tại các vùng thuộc Bắc Cực là nhiều nhất trong vòng 16 năm qua.
Cháy rừng là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở Bắc Cực vào khoảng tháng 7 và tháng 8 hằng năm, nguyên nhân chủ yếu do sét đánh bắt lửa.
Tuy nhiên, theo WMO, năm nay nhiệt độ nóng và khô bất thường trên khắp Bắc bán cầu như “châm dầu” vào những ngọn lửa khủng khiếp, khiến thảm họa đến sớm hơn và để lại ảnh hưởng lớn hơn.
“Một nguyên nhân khác là do lượng mưa mùa hè ở Bắc Cực cũng thấp hơn nhiều so với những năm trước”, ông Mark Parrington, nhà khoa học thuộc Trung tâm Quan sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu, cho biết.
Thiệt hại nặng để lại là không thể tránh khỏi. Ngoài việc góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu, nước biển dâng do băng tan, các vụ cháy ở Bắc Cực còn thải vào môi trường lượng CO2 cực lớn.
Theo WMO, vùng Bắc Cực thải ra khoảng 50 triệu tấn CO2 trong tháng 6 và 79 triệu tấn trong tháng 7 – gấp đôi lượng khí thải ra môi trường từ tháng 7/2004 ở khu vực này.
Trong tương lai, hiện tượng cháy rừng vào mùa hè ở vùng Bắc Cực dự kiến phức tạp hơn khi Trái đất vẫn đang ấm lên.