Nhiều quốc gia châu Phi sở hữu những quần thể voi lớn nhất thế giới sẽ thúc đẩy việc kiểm soát lỏng lẻo hơn đối với buôn bán ngà voi hợp pháp trong năm nay, trong khi một số quốc gia khác ở châu lục đen cho rằng hạn chế hơn nữa là cách tốt nhất để ngăn ngừa việc giết voi lấy ngà bất hợp pháp.
Các đề xuất trái ngược phản ánh sự chia rẽ ở châu Phi về cách bảo vệ một loài đã bị những kẻ săn trộm giết hàng loạt trong thập kỷ qua cùng các bộ phận của chúng gồm ngà, da và lông có thể được giao dịch bền vững như hàng hóa. Nhóm này viện dẫn rằng các quốc gia ở nam châu Phi, bao gồm Botswana và Zimbabwe đều nói rằng thương mại sẽ giúp họ có tiền để bảo tồn voi, còn Kenya, Gabon và những nước khác tin rằng hạn chế thương mại thậm chí sẽ thúc đẩy nhu cầu và làm tăng việc giết voi bất hợp pháp.
Các đề xuất được đưa ra bởi Văn phòng Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) và sẽ được thảo luận khi các quốc gia thành viên gặp nhau từ ngày 23/5 đến ngày 3/6 tại Colombo, Sri Lanka. Trong cuộc họp gần nhất ở Johannesburg năm 2016, CITES đã từ chối các kháng cáo để nới lỏng lệnh cấm quốc tế đối với việc buôn bán ngà voi đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ.
Theo Colman O’Criodain, chuyên gia về buôn bán động vật hoang của WWF, “cộng đồng quốc tế không thực sự muốn làm việc đó”. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với AP rằng cuộc họp ở Sri Lanka nên tập trung vào việc thực thi các biện pháp chống buôn lậu thay vì các cuộc tranh luận vô vị về việc có nên buôn bán hợp pháp hay không.
O’Criodain cho rằng thị trường ngà voi bất hợp pháp ở Việt Nam và các quốc gia khác đang đáp ứng cho nhu cầu ở Trung Quốc, nơi đã cấm buôn bán ngà voi nội địa. Trong khi đó, các con đường chính để ngà voi châu Phi rời lục địa này là cảng Mombasa của Kenya, vùng Zanzibar của Tanzania và ở một mức độ thấp hơn là Maputo, thủ đô ở ven biển Mozambique.
Một đề xuất từ khu vực Nam Phi cho biết Botswana, Namibia, Zimbabwe và Cộng hòa Nam Phi có khoảng 256.000 con voi, chiếm hơn một nửa tổng đàn ước tính của châu Phi. Bảo vệ voi trong điều kiện dân số loài người tăng lên và sinh cảnh hoang dã bị thu hẹp cần chi phí lớn, và thương mại được kiểm soát chặt chẽ từ các kho ngà voi thuộc sở hữu của chính phủ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng.
“CITES đã hành động như một bộ hãm phanh chứ không phải là một yếu tố thúc đẩy tiến bộ”, đề xuất nêu rõ.
Zambia đã đưa ra một đề xuất tương tự, nói rằng voi đang tranh giành tài nguyên với người dân ở các vùng nông thôn và rằng người dân Zambia sẽ khoan dung hơn nếu họ thấy được “lợi nhuận kinh tế kiếm được từ việc sử dụng voi bền vững”.
Cuộc tranh luận chạm đến cả các vấn đề chủ quyền. Các quốc gia muốn voi ở miền nam châu Phi phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn, bao gồm cả ở Gabon – nơi voi rừng bị săn trộm rất nhiều và Nigeria – nơi còn lại số lượng voi rất nhỏ. Các quốc gia vùng Nam Phi tin rằng những nước còn đang có vấn đề của riêng mình, kể cả thực thi pháp luật yếu kém, nên không áp đặt chính sách đối với nước khác.
Trong bài viết cho tờ The Herald của Zimbabwe, cây bút Emmanuel Koro nói rằng đã đến lúc các quốc gia vùng Nam Phi hành động vì “lợi ích quốc gia” và cân nhắc việc từ chối tuân theo các lệnh cấm được hỗ trợ bởi CITES về buôn bán ngà voi cũng như sừng tê giác. Quyết định rời khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế của Nhật Bản gần đây có thể tạm xem là một bài học.
O’Criodain cảnh báo thật nguy hiểm khi các quốc gia có quan điểm “buôn bán là quyền của họ và hậu quả là vấn đề của những nước khác”.
Nhật Anh (Theo washingtonpost.com)