BVR&MT – Sau Thụy Sĩ, Đức, Thụy Điển và Vương quốc Anh, đến lượt Pháp bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối trứng nhiễm độc có tâm chấn nằm ở Bỉ và Hà Lan.
Đây là một vụ bê bối thực phẩm đang lan nhanh tại châu Âu. Ngày 8 tháng 8, Bộ nông nghiệp Pháp đã tiến hành một cuộc kiểm tra quy mô rộng lớn nhằm xác định xem các sản phẩm chế biến bày bán trên các kệ ở siêu thị có sử dụng trứng bị nhiễm thuốc trừ sâu (Fipronil) hay không.
Vụ bê bối bắt đầu từ đâu?
Vụ bê bối đã được tiết lộ cho công chúng khi tập đoàn hard-discount Aldi công bố hôm thứ 6, ngày 4 tháng tám, thu hồi toàn bộ số trứng đang bán tại Đức. “Biện pháp phòng ngừa” này được thực hiên ngay sau khi phát hiện trong trứng nhập khẩu từ Hà Lan và Đức có tỉ lệ Fipronil, một loại thuốc diệt côn trùng đã bị cấm sử dụng trên các vật nuôi dành cho con người, cao.
Có ba công ty bị điều tra. Công ty đầu tiên, một công ty Hà Lan trẻ đã hứa với nông dân chăn nuôi gia cầm một dịch vụ hiệu quả hơn nhằm tiêu diệt ve đỏ, một ký sinh trùng phá hoại hầu hết các trang trại gà mái đẻ. Công ty này đề xuất một loại thuốc đặc trị, đưa ra thị trường dưới tên gọi Dega-16, có khả năng loại bỏ các ký sinh trùng này lâu hơn, khoảng tám tháng, so với thông thường là ba tháng. Sau đó, một công công ty khác có trụ sở tại Bỉ, đã cho thương mại hoá một số sản phẩm tương tự được sử dụng trong các chiến dịch khử trùng.
Một công ty thứ ba, của Rumani, nằm trong danh sách các nhà cung cấp tại Bỉ và cũng là trọng tâm của cuộc điều tra tại Bỉ và Hà Lan. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được người chịu trách nhiệm bổ sung Fipronil trong các sản phẩm được cấp phép nói trên.
Fipronil gì?
Fipronil là một chất diệt khuẩn (diệt sâu bọ và diệt ký sinh trùng) được tổng hợp bằng Rhone-Poulenc vào giữa những năm 1980 và đưa ra thị trường vào năm 1993, đặc biệt trong thương hiệu Regent. Nó là trung tâm gây tranh cãi trong đầu những năm 2000 do độc tính của nó gây ra với loài ong và do đó một số sử dụng của nó đã bị cấm ở châu Âu từ năm 2013. Loại thuốc này bị nghiêm cấm sử dụng trên động vật tiêu dùng cho con người, nhưng vẫn được phép sử dụng rộng rãi như một loại thuốc chống ký sinh trùng cho vật nuôi.
Những quốc gia nào bị ảnh hưởng?
Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Bỉ và Hà Lan, nơi xuất phát vụ bê bối. Tại Bỉ, việc sản xuất của khoảng năm mươi công ty bị đình chỉ, chiếm gần một phần tư các trang trại gia cầm ở nước này. Tại Hà Lan, khoảng 180 trang trại đã ngừng hoạt động. Theo Hội Liên hiệp Nông nghiệp và làm vườn của Hà Lan LTO, gần 300.000 gà đẻ bị nhiễm Fipronil đã bị tiêu hủy. Người nông dân nuôi gia cầm Hà Lan dự báo có thể có tới vài triệu vật nuôi chịu chung số phận nếu như sản xuất của họ không tìm được đầu ra.
Tại Đức, Thụy Sĩ và Thụy Điển, hàng chục triệu trứng nhập khẩu từ Hà Lan đã được gỡ bỏ khỏi kệ và tiêu hủy. Đến lượt Anh và Pháp cũng bị ảnh hưởng, nhưng ở một mức độ thấp hơn. Hôm thứ 3 ngày 8 tháng 8, Hà Lan cũng đã cho tiến hành các kiểm tra trên thịt gà từ đàn gia cầm có trứng bị nhiễm độc để xác định xem bản thân trong thịt gia cầm có Fipronil hay không.
Pháp bị lây nhiễm thế nào?
Sáng hôm qua, Bộ Nông nghiệp Pháp đã không tìm thấy dấu hiệu ô nhiễm nào trên vỏ trứng bán trên lãnh thổ Pháp. Ngày 28 tháng 7, một nhân viên của hãng Pas-de-Calais bỗng nhiên cảnh báo các nhà chức trách sau khi nhận thấy rằng thuốc trừ sâu được sử dụng ở đây là loại thuốc vi phạm ở Bỉ và Hà Lan. Theo Bộ Nông nghiệp, việc sản xuất đã bị chặn ngay trước khi đưa vào thị trường. Cho đến nay không có trường hợp tương tự nào được trình báo ở Pháp.
Hôm thứ 3 ngày 8 tháng 8, Bộ Nông nghiệp đã công bố có năm công ty Pháp “đã nhận trứng bị nhiễm độc” Fipronil từ Hà Lan và Bỉ. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra ban đầu, chỉ có hai công ty có liên quan. Bộ này còn cho biết thêm rằng ” họ đang tiến hàng cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc” để “xác định đích đến của các sản phẩm có khả năng nhiễm độc đã được xuất đi.”
Liệu trứng hữu cơ có bị liên quan?
Theo thông tin do các nhà chức trách Bỉ và Hà Lan gửi tới Ủy ban châu Âu, không chỉ các trang trại thông thường mà cả các trang trại sinh học đều có liên quan, có vẻ như các sản phẩm được phép canh tác hữu cơ đã được “cắt” qua Fipronil.
Đã có nhiều trứng và sản phẩm trứng đã được tiêu thụ?
Pháp là nhà sản xuất châu Âu hàng đầu về trứng, với 14,7 tỷ đơn vị trong năm 2015, theo số liệu từ ngành chăn nuôi gia cầm. Người Pháp tiêu thụ bình quân đầu người 216 trứng mỗi năm, so với trung bình 200 của châu Âu. Trong số này, 40% được ăn dưới dạng các sản phẩm trứng, có nghĩa là, theo thuật ngữ công nghiệp, trứng không được giao trong vỏ, mà dưới dạng chất lỏng, bột, sấy khô hoặc đông lạnh. Bán cho ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trứng được sử dụng để làm bánh ngọt, mì ống, nước sốt, ăn uống và kem.
Theo số liệu của FranceAgriMer, trong năm 2013 đã có 290.000 tấn các dạng nguyên liệu nói trên đã được sản xuất tại Pháp bởi sáu mươi nhà máy. Những nhà máy này sử dụng khoảng 90% trứng của Pháp. Sau đó, Pháp xuất khẩu một phần các sản phẩm trứng (25%) trên, chủ yếu sang Bỉ, Tây Ban Nha, Anh và Đức.
Có nguy hại tới sức khỏe? Chúng ta có nên dừng tiêu thụ?
Fipronil có tác động đầu độc hệ thần kinh và được Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là “gây độc vừa phải” cho con người. Tuy nhiên, theo tổ chức này, nó có thể gây hại cho thận, gan và tuyến giáp. Viện Nghiên cứu Trao đổi chất gây rối loạn nội tiết cho rằng nó cũng là một chất gây rối loạn nội tiết.
Các nước khác nhau có đánh giá khác nhau về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng. Bộ Nông nghiệp cũng như các cơ quan y tế của Bỉ cho rằng “sự hiện diện của các dấu vết của Fipronil bản thân nó không nguy hại; các phân tích đang thực hiện chỉ nhằm xác định xem liệu mức độ nhiễm độc của các sản phẩm này có khả năng gây nguy hiểm cho người tiêu dùng hay không”.
Ngược lại, cơ quan an toàn thực phẩm Hà Lan NVWA khuyến cáo mạnh mẽ không nên tiêu thụ những quả trứng bị ô nhiễm tại Hà Lan, vì nó “là mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng”. Nguy cơ sức khỏe phụ thuộc rất nhiều vào thời gian tiếp xúc. Tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí Hà Lan, việc sử dụng gian lận Fipronil tại Bỉ và Hà Lan có thể đã bắt đầu từ năm 2016 và đã kéo dài hơn một năm mà không bị phát hiện.
Có gì kiểm soát và truy xuất nguồn gốc áp dụng cho trứng?
Cơ sở chăn nuôi phải chịu kiểm tra bắt buộc hai tuần một lần trong thời gian đẻ của gà mái bởi các hoạt động vệ sinh thú y, trong đó có kiểm tra vi khuẩn hình que salmonella. Thêm vào đó, mỗi năm một lần, cơ quan Nhà nước tiến hành một đợt kiểm tra chính thức.
Các sản phẩm chăn nuôi được chào bán trên thị trường dưới dạng vỏ trứng hoặc sản phẩm trứng. Đầu tiên, trung tâm đóng gói sẽ xác minh chất lượng sản phẩm thông qua kỹ thuật “gương” – dùng tia ánh sáng mạnh kiểm tra chắc chắn không có vết nứt hoặc vết máu trên sản phẩm. Sau đó, sản phẩm được đánh dấu bằng một mã số (ví dụ: 1 FR XAZ 01), bao gồm:
- Một số chỉ ra phương pháp canh tác: “0”: sinh học; “1”: ngoài trời; “2”: mặt đất; “3”: lồng;
- mã ISO của quốc gia đăng ký: ví dụ: “FR” cho Pháp;
- Định danh nơi chăn nuôi: ở Pháp, ba chữ cái dành cho trang trại chăn nuôi và hai chữ số tiếp theo dành cho số tòa nhà.
Trong năm 2016, Bộ Nông nghiệp đã tiến hành hơn 60.000 cuộc thanh tra các chuỗi thức ăn – 14% của ngành gia cầm – mà không phát hiện vấn đề.
Tại sao Bỉ đã cố giấu thông tin này?
Thông tin nhiễm độc của một trang trại ở Bỉ đã được chuyển đến cơ quan y tế Bỉ vào ngày 2 tháng 6. Nhưng cơ quan y tế này phải chờ tới ngày 20 mới cảnh báo các nước thành viên của Liên minh châu Âu nhằm bảo vệ bí mật các cuộc điều tra đang diễn ra. Quyết định này đang gây tranh cãi ở Bỉ, đặc biệt là công chúng đã chỉ được cảnh báo vào cuối tháng Bảy. Một cuộc điều tra tiếp theo đang được tiến hành.
Nguyễn Anh Tuấn