BVR&MT – Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu đang là tâm điểm tái bùng phát dịch COVID-19 khi ngày càng nhiều người tham gia các sự kiện quy mô lớn và đi du lịch.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 6/7, Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, cho biết: “Chúng ta lại đang chứng kiến một làn sóng COVID-19 dữ dội hơn lan khắp châu Âu. Và nó cũng sẽ xảy ra ở những nơi khác nữa, như đã thấy tại Đông Nam Á và khu vực phía Đông Địa Trung Hải”.
Nhìn chung, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng 30% trên toàn cầu trong hai tuần qua, với việc hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang hoành hành tại châu Âu và Mỹ. Cơ quan y tế này cũng đang theo dõi biến thể phụ mới là BA2.75 vừa được phát hiện ở Ấn Độ.
Tiến sĩ Ryan cho rằng làn sóng ở châu Âu trong mùa hè hiện nay là kết quả của việc người dân tham gia các hoạt động tập thể lớn và đi du lịch nhiều hơn,
Thông tin tích cực là làn sóng nhiễm bệnh mới chưa làm gia tăng số người nhập viện hay gia tăng số ca tử vong, nhờ hiệu quả bảo vệ của vacicne.
Tại Anh, tuần trước, giới chức y tế nước này đã báo cáo mức tăng 32% số ca mắc mới, đồng thời cho biết số bệnh nhân phải nhập viện điều trị đã tăng lên, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi. Tuy hiện, tỷ lệ nhập viện hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với các đợt bùng phát trước đó. Ngoài ra, chiến dịch tiêm chủng rộng rãi cũng giúp giảm số ca tử vong do COVID-19.
WHO yêu cầu các quốc gia cần đảm bảo “bức tường miễn dịch”, cung cấp các mũi tiêm tăng cường cho những người dễ bị tổn thương, cũng như duy trì các biện pháp giám sát và sử dụng thuốc kháng virus.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng mặc dù mọi làn sóng tái bùng phát đều cần được đánh giá cẩn trọng, thì thế giới đang ở trạng thái chống dịch tốt hơn so với năm 2020, khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu càn quét khắp thế giới.
“Chúng ta sẽ không trở thành con tin của virus như hai năm qua. Chúng ta đã nghiên cứu về nó và có những công cụ tốt hơn để chống lại nó”, ông Tedros nhấn mạnh.