BVR&MT – Trải qua một chặng đường lập nghiệp với nhiều chông gai, thử thách trên chính mảnh đất quê hương, với chàng thanh niên Lưu Lập Đức (Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đó là một quá trình phấn đấu cần có đam mê, yêu thích, tự tin mới thành công.
Dù biết mình được đón nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng từ sớm, nhưng khi nhận được tin xét chọn trở thành một trong 10 cá nhân sẽ được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng, Lưu Lập Đức vẫn rất bất ngờ. Đức chia sẻ: “Gia đình tôi nhiều đời làm nông nghiệp, bố mẹ tôi là những người nông dân chân chất thế nên khi biết tôi có được vinh dự nhận Bằng khen của người đứng đầu Chính phủ, ai trong gia đình cũng hạnh phúc, với tôi đó là điều thực sự ngoài sức tưởng tượng”.
Có lẽ chặng đường 5 năm nỗ lực không mệt mỏi trên con đường tự thân lập nghiệp của chàng thanh niên dân tộc Tày sinh năm 1992 đang dần được hái quả ngọt.
Từ tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản
Tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản do Đức làm chủ nhiệm chính thức được thành lập từ năm 2015 đã mang lại hiệu quả rất cao. Đến nay, mô hình đã liên kết được 20 hộ nông dân để sản xuất tiêu thụ các loại rau, củ, quả tại địa phương. Việc thực hiện liên kết chặt chẽ đã góp phần quan trọng ổn định sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm sẵn sàng cung cấp cho thị trường lớn, với nhiều đòi hỏi cao hơn, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường 20 tấn rau các loại, mang về doanh thu từ 01 tỉ đồng/ngày.
Điều Đức cảm thấy hạnh phúc là các thành viên tham gia tổ hợp tác đã có sự phát triển vượt bậc về trình độ sản xuất, nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội khi tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản. Các hộ dân hiện đã chú trọng đến việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Hiện tại các hộ gia đình tham gia vào tổ hợp tác đều ứng dụng 50% công nghệ cao vào mô hình sản xuất của mình, 50% còn lại Đức cho biết đó chính là kinh nghiệm làm nông nghiệp người dân đã tích lũy từ lâu đời. Điều đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm của tổ hợp tác, được đối tác tin tưởng lựa chọn.
Chia sẻ về chặng đường gây dựng tổ liên kết, Đức kể: Đức Trọng, Lâm Đồng có truyền thống nông nghiệp từ lâu đời, nhiều năm nay nơi đây đã phát triển mạnh mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao. Gia đình Đức và người dân sống tại thị trấn Liên Nghĩa cũng sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Đức nhìn thấy mô hình sản xuất nông nghiệp vẫn rời rạc, chưa có sự liên kết với nhau, vì vậy điệp khúc được mùa mất giá Đức vẫn chứng kiến thường xuyên. Từ chính thực tiễn của gia đình, Đức nghĩ cần phải thành lập tổ hợp tác để liên kết người dân cùng sản xuất, đồng thời hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm. Tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ra đời từ đó.
“Ngày ấy tôi 22 tuổi, ý tưởng thì nhiều mà kinh nghiệm, hiểu biết thì gần như không có. Qua nhiều kênh từ mạng internet, các anh chị có kinh nghiệm tôi quen cho đến chính những người dân trong vùng có kinh nghiệm làm nông nghiệp. Tôi cũng đã đi tìm hiểu nguồn sản phẩm mà địa phương mình có so với các địa phương khác và trực tiếp đi khảo sát thị trường để xem nhu cầu của khách hàng về sản phẩm như thế nào? May mắn là trong suốt quá trình thực hiện tôi có những người bạn cùng chí hướng, nhờ vậy việc thành lập mô hình hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản khá thuận lợi.
Tuy nhiên, theo Đức việc vận động các hộ gia đình tham gia vào tổ liên kết không phải đơn giản. Bởi người dân vốn đã quen với phương thức canh tác cũ, trong khi hiện nay nhu cầu đòi hỏi của thị trường về sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao, đòi hỏi người dân cần thay đổi phương thức sản xuất mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ngược lại, tổ hợp tác cũng phải cam kết với người dân sẽ bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho các hộ dân tham gia tổ liên kết.
“Ban đầu chỉ vài hộ tham gia tổ liên kết, chủ yếu là những đoàn viên thanh niên, dần dần nhiều hộ gia đình thầy hiệu quả đã mạnh dạn đăng ký tham gia” – Đức thông tin.
…Tìm chỗ đứng cho nông sản
Việc tiêu thụ nông sản ban đầu cũng không mấy dễ dàng, do thiếu kinh nghiệm trong cách quản trị, cách bảo quản nông sản nên suốt một thời gian dài Đức nếm đủ “mùi” của thất bại. Thế nhưng chưa bao giờ chàng thanh niên ấy bỏ cuộc. “Mỗi lần sai tôi tự nhủ đó sẽ là bài học kinh nghiệm, mình phải nghĩ cách để khắc phục những lỗi đó. Cùng với sự hỗ trợ của những người có kinh nghiệm, dần dần mọi việc cũng trở nên tốt hơn, sản lượng nông sản tổ liên kết cung cấp ra thị trường ngày càng lớn, vì vậy Đức và cộng sự quyết định thành lập Công ty AGRI Đức Tiến vào năm 2019”.
“Khi thành lập Công ty mục đích của chúng tôi là đưa các sản phẩm nông sản ra các thị trường lớn hơn. Năm 2016 chủ chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh có đến mua hàng tại một cửa hàng của tổ liên kết, trong quá trình trao đổi thì anh ngỏ ý lấy hàng của chúng tôi để đưa vào siêu thị Bách Hóa Xanh. Nhưng để có thể đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị này cũng không phải là điều đơn giản. Chúng tôi mất gần 6 tháng để gặp, giới thiệu những sản phẩm của mình và chứng minh cho khách hàng thấy những sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của siêu thị. Đơn hàng đầu tiên dù mất nhiều thời gian nhưng khi hợp đồng được ký kết tôi và những cộng sự của mình đã thực sự vui sướng. Với chúng tôi đây là một khởi đầu tốt đẹp, là động lực để tiếp tục nỗ lực hơn trên con đường mình đã chọn”. Đức bộc bạch.
Từ siêu thị Bách Hóa Xanh, các sản phẩm của AGRI Đức Tiến đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn như Big C, CoopMart… tại nhiều tỉnh thành phố khu vực phía Nam. Đức chia sẻ: Mỗi một ngày trôi qua Đức và những cộng sự của mình đã có thêm những thành công và cũng tích lũy cho mình rất nhiều những sai lầm trong cách quản trị, cách bảo quản hàng hóa… thế nhưng Đức luôn quan điểm rằng sai lầm chính là bài học kinh nghiệm, để bản thân cơ cấu lại công việc hằng ngày. Nhiều khách hàng đến rồi lại đi mà không ký hợp đồng với công ty nhưng từ đó Đức luôn tìm hiểu lý do vì sao đối tác chưa hài lòng, để khắc phục.
Trải qua một chặng đường lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, với Đức đây là một quá trình phấn đấu, con đường ấy luôn có nhiều chông gai, thử thách, bởi vậy mỗi người cần có đam mê, yêu thích, tự tin mới thành công. Dù ở bất cứ lĩnh vực gì thì yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự thành công Đức cho rằng đó là chữ tín, khi sản phẩm của mình khẳng định được chất lượng trên thị trường thì khách hàng sẽ tự tìm đến mình.
Với Lưu Lập Đức, việc lựa chọn mặt hàng nông sản để khởi nghiệp cho đến hôm nay là một quyết định hoàn toàn chính xác. Công ty TNHH AGRI Đức Tiến do Đức làm Phó Giám Đốc hiện cung cấp trên 20 tấn nông sản/ngày, doanh thu đạt 15 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 2,5 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập ổn định cho các hộ liên kết sản xuất với thu nhập 10 triệu/sào/tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ.
Chàng thanh niên 28 tuổi Lưu Lập Đức chia sẻ: Chặng đường phía trước với tôi và các cộng sự còn nhiều gian nan, mục tiêu chúng tôi muốn hướng đến là không chỉ là thị trường trong nước mà còn là các thị trường thế giới. Bởi vậy, những thành công ban đầu này sẽ là bước đệm để chúng tôi tiếp tục cố gắng, khẳng định chất lượng của nông sản Đức Trọng nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung tại các thị trường khó tính. Mặt khác, điều tôi luôn hướng đến đó chính là sự thay đổi của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp, nếu làm đúng cách mỗi thửa đất sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn để thay đổi cuộc sống của bà con”.
Là một đảng viên trẻ, Lưu Lập Đức luôn gương mẫu trong thực hiện Điều lệ Đảng, tích cực tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Nói về chặng đường phía trước, Đức cho biết ngoài việc phát triển mạnh hơn nữa các sản phẩm nông sản tại quê hương, Đức mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tổ chức Đoàn để tiếp tục mở rộng thị trường, tạo được giá trị, thương hiệu cho sản phẩm; tạo việc làm cho bà con nông dân nơi mình sinh sống.
Giải thưởng Lương Định Của là giải thưởng thường niên của Trung ương Đoàn, nhằm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những thanh niên tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, lập nghiệp; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, hạt nhân nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đồng thời tạo diễn đàn để thanh niên giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm; kết nối trong sản xuất, kinh doanh… |