BVR&MT – Hiện nay năng lực chăn nuôi trong nước đã vượt tiêu thụ trong nước khiến giá các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giá lợn giảm mạnh.
Tháng 5 tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ cử đoàn xúc tiến thương mại về đầu tư chăn nuôi sang Trung Quốc để đàm phán về xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi chính ngạch.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 3, đàn trâu cả nước giảm 0,1%, đàn bò tăng khoảng 1,5%-2%, đàn heo tăng khoảng 1,5%-2%; đàn gia cầm tăng khoảng 3,2%-3,8%. Trong 2 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu tất cả các sản phẩm chăn nuôi đều thấp hơn năm ngoái. Ví dụ, thịt heo 2 tháng nhập khẩu khoảng gần 1.700 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 25%; thịt gà nhập khoảng gần 15.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái….
“Xu thế nhập khẩu thịt qua 3 năm gần đây càng ngày càng giảm xuống chứng tỏ chăn nuôi trong nước đã đáp ứng tương đối tốt”, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ NN&PTNT nói.
Song, sản xuất tăng nhưng giá thịt heo kể từ năm ngoái tới nay vẫn duy trì ở mức thấp, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ, thậm chí, có những nơi mỗi ngày chỉ cho heo ăn một bữa vì sợ cho ăn nhiều bữa thì giá xuất chuồng không đủ bù chi phí thức ăn chăn nuôi. Giá heo giảm, một phần là do xuất khẩu heo tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, một phần là do năng lực sản xuất trong nước đã vượt nhu cầu tiêu thụ.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, Bộ NN&PTNT đã có một đoàn làm việc với cơ quan hữu quan Trung Quốc do Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì với phía Trung Quốc. Hai bên thống nhất xúc tiến đi đến ký kết về xuất khẩu mặt hàng nông sản chính thống, trong đó có ưu tiên thịt heo và sữa. “Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch thịt heo”, ông Chinh nói.
Hiện tại, với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thịt, trứng, sữa trong nước đang vượt khỏi sức tiêu thụ trong nước, phải hướng tới xuất khẩu hoặc phải có biện pháp hành chính để giảm tốc độ lại, không những để giải quyết bài toán kinh tế mà môi trường khi ngành chăn nuôi phát triển quá nóng.
“Một trong những giải pháp đầu tiên là Cục Chăn nuôi đã tham mưu và trình Bộ NN&PTNT gửi văn bản tới tất cả các tỉnh, thành phố, tạm thời dừng xây dựng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới”, ông Chinh nói và cho biết thêm, ngoài ra còn phải đẩy mạnh nội lực, làm sao sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả hơn, kiểm soát dịch bệnh, tăng quy mô và giảm giá thành.
Thực tế giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới như Mỹ, Brazil… Muốn vậy, các doanh nghiệp có thị trường, có kiến thức quản lý, khoa học công nghệ, vốn, phải là đầu tàu tạo ra liên kết sản xuất cho bà con nông dân, tạo thành tổ đội, liên minh HTX để cùng doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả chăn nuôi, bảo đảm đầu ra, an toàn thực phẩm, môi trường.
Về dài hạn, theo ông Chinh, vấn đề quy hoạch cần phải được đổi mới để bảo đảm giám sát được, cùng với đó phải tìm mọi cách giảm giá thành các sản phẩm chăn nuôi hiện nay nhưng vẫn bảo đảm đồng đều chất lượng để có thể tìm hướng xuất khẩu cho những sản phẩm này.