BVR&MT – Với hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa các saponin quý hiếm được thế giới công nhận, Quốc bảo sâm Ngọc Linh hiện nay có giá trị kinh tế rất cao, vào khoảng 150 đến 200 triệu đồng/kg sâm tươi. Để bảo vệ giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh, vừa qua, tỉnh Kon Tum đã phải ra nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh các cá nhân, doanh nghiệp mạo nhận diện tích trồng, liên kết trồng, khai thác sâm Ngọc Linh.
Dư luận trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay đang xôn xao về thông tin Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam tuyên bố “sở hữu hơn 7.000ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh” và “đã có hơn 600ha sâm Ngọc Linh trồng hoàn toàn tự nhiên dưới những tán rừng nguyên sinh nằm trên đỉnh Ngọc Linh có độ cao hơn 2.000m so mực nước biển”.
Ông Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum (Công ty con của Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam, đóng trên địa bàn tỉnh Kon Tum), cho biết, Công ty thực hiện dự án nuôi cấy mô để phát triển giống và sản xuất sâm Ngọc Linh. Công ty nhân giống, cung cấp nguyên liệu cho Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam để sản xuất các sản phẩm chế biến sâu từ sâm Ngọc Linh như: mặt nạ, kem dưỡng da, kem chống nắng, rượu sâm Ngọc Linh…
Với đặc điểm của cây sâm Ngọc Linh là phải trên 8 năm mới thu hoạch thì mới phần nào đầy đủ các dưỡng chất quý nên Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum vừa trồng sâm nuôi cấy mô, vừa liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông để thu mua sâm tươi. Năm 2022, Công ty đã thu mua gần 40kg sâm Ngọc Linh tươi từ các đơn vị bán sỉ như: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, hộ gia đình ông A Sỹ…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum được Bộ Khoa học-Công nghệ giao trực tiếp Dự án sản xuất thử nghiệm Hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống in-vitro bằng công nghệ tế bào ứng dụng bioreactor và sản xuất sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum tại Quyết định số 4025/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2018. Theo đó, định hướng mục tiêu của Dự án là hoàn thiện được quy trình sản xuất cây giống in-vitro bằng công nghệ tế bào ứng dụng bioreactor phù hợp điều kiện canh tác tại tỉnh Kon Tum; hoàn thiện được quy trình sản xuất sâm Ngọc Linh dưới tán rừng và trong nhà kính từ cây giống của dự án tại tỉnh Kon Tum.
Ngày 21/10/2022, Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum ký Hợp đồng hợp tác liên kết nghiên cứu khoa học với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô. Theo đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô giao 24,34ha rừng tự nhiên tại lô 17, khoảnh 4, tiểu khu 228, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông cho Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng thử nghiệm cây giống sâm Ngọc Linh trong môi trường dưới tán rừng tự nhiên theo Quyết định 4025 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Thời gian thực hiện hợp đồng huấn luyện cây giống là 10 năm, kết thúc vào ngày 30/10/2032.
Khi nhận được thông tin việc một công ty mới thành lập từ năm 2016, nhưng lại tuyên bố sở hữu hàng trăm ha sâm Ngọc Linh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết: “Chúng tôi có nghe thông tin trên, tuy nhiên, để kiểm chứng nội dung được công bố cụ thể thế nào thì phải được tiếp xúc với doanh nghiệp đó cùng các văn bản liên quan thì huyện mới vào cuộc kiểm chứng được là doanh nghiệp trồng hay chưa trồng.
Đối với việc xác nhận vùng trồng, vùng liên kết trên địa bàn, huyện Tu Mơ Rông đã quán triệt đối với các xã và đơn vị trực thuộc là nếu như đơn vị, doanh nghiệp muốn trồng hay liên kết thì phải thông qua chính quyền địa phương, xã, huyện để vừa nắm bắt được vùng trồng, vừa quản lý được vùng dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh là cây quý có giá trị kinh tế cao”.
“Vừa qua, một đồng chí Phó Chủ tịch huyện đã không đọc kỹ nội dung, xác nhận không đúng việc Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Thực tế, Công ty này chỉ đang thực hiện Dự án của Bộ Khoa học-Công nghệ từ năm 2018 đến nay. Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho chủ trương từ tháng 10/2022 về việc liên kết đưa sâm nuôi cấy mô ra trồng dưới tán rừng nên chưa có cơ sở khẳng định đã khai thác sâm Ngọc Linh. Do vậy, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông thực hiện việc thu hồi Giấy xác nhận và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan”, đồng chí Võ Trung Mạnh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Duy Thái, Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum có liên kết trồng sâm Ngọc Linh với các hộ dân tại huyện Tu Mơ Rông, cụ thể: liên kết với hơn 10 hộ dân tại xã Ngọk Lây với diện tích trồng sâm mỗi hộ từ 5-10ha; liên kết với 3 hộ dân tại xã Măng Ri với tổng diện tích hơn 10ha và đang liên hệ để liên kết với 2 hộ tại xã Tê Xăng.
Thế nhưng, theo xác minh của lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Ngọk Lây và Măng Ri thì việc Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum liên kết với các hộ dân trên địa bàn để trồng sâm Ngọc Linh là chưa triển khai và không có.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọk Lây Đặng Quốc Dũng, cho biết: “Công ty nhiều lần lên trụ sở Ủy ban nhân dân xã nhờ ký xác nhận công ty có liên kết với các hộ dân nhưng chúng tôi không ký. Chúng tôi đã hướng dẫn Công ty muốn xác nhận liên kết thì phải thông báo cho chúng tôi là liên kết với hộ dân nào, tại khu vực, tiểu khu, khoảnh nào, gồm bao nhiêu cây sâm để chúng tôi phải đi kiểm đếm thì mới xác nhận được. Chúng tôi cũng kiên quyết, với vai trò của mình, thực tế có sao nói vậy, không thể để gian dối hiện trạng trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn”.
Cũng trái với việc ông Nguyễn Duy Thái nói về thu mua sỉ sâm Ngọc Linh, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và hộ gia đình ông A Sỹ đều khẳng định không bán hay xuất hóa đơn bán hàng sâm Ngọc Linh tươi cho Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Với giá trị kinh tế lớn, hiện nay, một số cá nhân, doanh nghiệp đã cố tình nói khống diện tích trồng, khai thác hoặc đơn giản hơn là bịa chuyện liên kết trồng sâm Ngọc Linh với các hộ dân bản địa để tạo niềm tin nơi khách hàng, từ đó phục vụ mục đích kinh doanh các sản phẩm gắn liền với thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh. Đã đến lúc cần sự kiểm tra, giám sát, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan hữu quan từ Trung ương đến địa phương để chấn chỉnh tình trạng này, tránh mất niềm tin của người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế vào những sản phẩm mạo danh thương hiệu sâm Ngọc Linh để trục lợi.