BVR&MT – Vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán, trên khắp nẻo đường xứ Nghệ, hình ảnh cây nêu với đủ loại màu sắc được trang hoàng rực rỡ đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu với mỗi gia đình. Cây nêu được người dân dựng ngay trước cổng nhà, dùng để trang trí và trấn an tinh thần chuẩn bị cho năm làm ăn mới, cầu cho những điều may mắn đến với gia đình mình.
Những năm gần đây phong trào chơi nêu Tết ở Nghệ An được khôi phục và lan tỏa khắp các huyện từ miền xuôi lên miền ngược. Thông thường, sau ngày cúng ông Công ông Táo (23/12 Âm lịch) hàng năm, các gia đình thường dựng cây nêu trước cửa nhà.
Cùng với đó, các mặt hàng làm nêu như tre, mét, lá đùng đình, đèn nháy, đèn lồng… được bán khá chạy. Nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đã hình thành các chợ nêu tại sân vận động các xã, xóm. Chợ chỉ họp từ sau Rằm tháng Chạp đến 28 Tết là vãn. Tấp nập nhất từ 20 tháng Chạp đến khoảng 25 tháng Chạp, khi đó, nhà nhà tranh thủ dựng nêu.
Theo các thương lái, trước kia đa số người dân làm nêu thì chặt tre, mây trong vườn, nay tre ở quê cũng hiếm, kiếm được cây đáp ứng các tiêu chí để dựng nêu càng khó nên hầu như phải mua. Năm nay, giá nêu cũng ngang bằng các năm trước, dao động từ 120.000 – 200.000 đồng/cây. Để phục vụ thị trường, đầu tháng Chạp là thương lái phải đi khảo sát, chọn tre và đặt cọc, đến sau Rằm tháng Chạp là chở tre về xuôi. Tre làm nêu phải là loại thân thẳng, chặt sát gốc, đẽo sạch các gai mắt, nhưng phải giữ phần lá ngọn nên việc vận chuyển khá vất vả.
Anh Nguyễn Văn Đức (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) chở mét xuống Vinh bán cho hay: “Năm nay người dân mua mét về dựng nêu khá nhiều, mỗi ngày tôi bán được 50-60 cây. Thường thì ngày 22, 23 tháng Chạp thì bán chạy nhất vì theo tục lệ sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời thì sẽ dựng nêu Tết. Một cây tre, mét lãi khoảng 20-30.000 đồng. Mỗi mùa Tết bán khoảng 1.000 cây cũng kiếm được 20-30 triệu đồng. Song để lựa chọn cây đạt chuẩn làm nêu thì cũng rất công phu, tốn nhiều thời gian, công sức”.
Ngoài bán tre, mét, trúc, vầu để người dân tự làm nêu thì nhiều điểm còn nhận làm dịch vụ trang trí một cây nêu hoàn chỉnh với cờ Tổ quốc, đèn lồng, đèn led… theo ý thích người mua. Mỗi cây nêu hoàn thiện có giá dao động từ 800.000 – 1,5 triệu đồng. Chính vì thế, không chỉ có người trồng tre, buôn tre được lợi mà các cửa hàng tạp hóa bán đồ điện, đồ trang trí cũng được dịp “ăn theo”. Số lượng đèn led, dây led, lồng đèn… đi kèm với cây nêu cũng được tiêu thụ mạnh hơn.
Ông Nguyễn Bá Hoàng, phường Quang Tiến (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) cho biết: “Năm nay, từ ngày 21 tháng Chạp các hộ dân đã rục rịch dựng nêu. Có đến 70-80% các hộ dân trong phường dựng nêu Tết. Nêu chủ yếu là tre, mét chọn loại có độ dài khoảng 6-10m, thân cây thẳng hoặc cong theo một hướng, bổ xuống theo chiều lưỡi câu, còn nguyên ngọn. Nhiều lối xóm các hộ dân góp tiền mua chung từ tre, mét đến đèn lồng, đèn nháy trang trí nêu nên khi dựng lên khá đồng đều, đẹp mắt”.
Theo quan niệm của người dân, “pháo thì kêu, nêu thì cao”, cây nêu Tết càng cao, càng sáng lung linh thì càng đẹp. Để làm được những cây nêu chuẩn, chi phí lên đến tiền triệu, người làm cũng phải nghiên cứu, thiết kế khéo léo.
Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.
Hà Linh