BVR&MT – Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) bị giảm diện tích từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, có ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, cũng như thực hiện các cam kết với quốc tế.
Ngày 17-4-2023, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 731/QĐ-UBND về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có tên gọi là Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) đất ngập nước Tiền Hải. Theo Quyết định 731, khu bảo tồn có quy mô diện tích 1.320 ha, bao gồm phần đất rừng ngập mặn 632 ha và diện tích đất chưa có rừng là 688 ha. Với quyết định này, tỉnh Thái Bình đã thu hẹp KBTTN đất ngập nước Tiền Hải với quy mô từ 12.500 ha hiện nay xuống còn 1.320 ha.
Do rừng đặc dụng này không hiệu quả (!?)
Theo ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thái Bình, Khu Kinh tế Thái Bình được thành lập theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg, ngày 29-7-2017, của Thủ tướng Chính phủ, có tổng diện tích tự nhiên 30.583 ha, bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy và phần tiếp giáp ven biển.
Đến ngày 18-10-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Điều 2 của quyết định này giao UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình.
Để xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình, một phần diện tích đất rừng ven biển được quy hoạch cho khu kinh tế; trong đó có khu rừng đặc dụng tỉnh Thái Bình xác lập năm 2014, với quy mô 12.500 ha, bao gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước, do các hoạt động phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên tại khu rừng đặc dụng này không hiệu quả. Tuy nhiên, tỉnh vẫn giữ lại 1.320 ha khu vực có rừng tốt nhất, liền khoảnh, có giá trị bảo tồn cao cho hoạt động phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, thuộc 3 xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú của huyện Tiền Hải.
“Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, có tên gọi là KBTTN đất ngập nước Tiền Hải, đã được tỉnh thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành” – lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình khẳng định.
Đi ngược chủ trương bảo vệ môi trường và Công ước quốc tế
Ngày 22-8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành văn bản số 6941/BTNMT-BTĐD, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin phản ánh của báo chí về KBTTN đất ngập nước Tiền Hải.
Văn bản khẳng định KBTTN đất ngập nước Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 20 Luật Bảo vệ môi trường và là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Bộ TN-MT đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với điều chỉnh diện tích KBTTN đất ngập nước Tiền Hải.
Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học xác định đây là một trong hai vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng (năm 2004) và cho biết cơ quan này chưa nhận được văn bản liên quan đến quyết định của UBND tỉnh Thái Bình.
Cục này khẳng định Quyết định số 731 của UBND tỉnh Thái Bình giảm diện tích KBTTN đất ngập nước Tiền Hải còn 1.320 ha (tương đương gần 90% diện tích) ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết với quốc tế.
“Với các giá trị, vai trò và tầm quan trọng của đất ngập nước Tiền Hải đối với tỉnh Thái Bình nói riêng và quốc gia, quốc tế nói chung, đồng thời tuân thủ các chủ trương, đường lối, chính sách và quy định pháp luật Việt Nam, cam kết quốc tế, KBTTN đất ngập nước Tiền Hải cần tiếp tục duy trì và bảo vệ bảo đảm nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế” – Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia đã băn khoăn về quy hoạch tỉnh Thái Bình Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm định, phản biện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rằng KBTTN đất ngập nước Tiền Hải là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyền châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Việc đề xuất giảm 11.180 ha cần được xem xét thận trọng, bảo đảm thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng hành động này của Thái Bình đi ngược lại với trào lưu chung của thế giới tại Khung bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc (COP15), kêu gọi các nước tăng diện tích được bảo tồn lên 30% (cả trên cạn và dưới nước). |