BVR&MT – Phó Thủ tướng Thường trực cho biết đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp bổ sung 40 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 cho 2 huyện miền núi nghèo khó nhất của tỉnh Quảng Trị là Hướng Hoá và Đắkrông.
Ngày 22/10, tại tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác đã kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra; thăm và động viên nhân dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng; làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, công tác khắc phục bão lũ đang được tỉnh triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kiên quyết không để người dân nào bị đói, rét, bị ảnh hưởng bởi bão lũ mà không được hỗ trợ. Tỉnh đã kịp thời phân phối 1.000 tấn gạo được Chính phủ hỗ trợ đến người dân.
“Hôm nay, trực tiếp đi kiểm tra hiện trường một số nơi bị sạt lở, ngập nặng, chứng kiến hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra tại tỉnh nhà, tôi rất xúc động và biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả của các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là sự vào cuộc và giúp đỡ nhanh chóng của các lực lượng quân đội, công an. Tôi khen ngợi sự cố gắng, nỗ lực của các cá nhân, cộng đồng đã cùng chung tay vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần ‘tương thân, tương ái’, ‘lá lành đùm lá rách’ trong lúc hoạn nạn khó khăn của cộng đồng xã hội và nhân dân”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xuất cấp cho mỗi tỉnh (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh) 1.000 tấn gạo, “yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay, kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân đúng đối tượng”, không để chậm trễ. Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng chấp nhận đề nghị trước mắt hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng.
Cùng ngày 22/10, Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn đã vào viếng 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, Quân khu 4 hy sinh.
Trong sổ tang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình xúc động viết: Vô cùng thương tiếc 22 đồng chí đã hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai 18/10/2020. Đây là sự hy sinh to lớn để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước, đồng thời là nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được của gia đình và người thân các đồng chí đã hy sinh.
Đảng, nhà nước và nhân dân ghi nhận công lao, sự hy sinh to lớn của 22 đồng chí, những cán bộ, chiến sĩ quả cảm, sẵn sàng đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, hiểm nguy. Tinh thần dũng cảm, sự hy sinh dũng cảm của các đồng chí đã góp phần tô thắm phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thay mặt Chính phủ, xin gửi đến gia đình, người thân của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất; mong các gia đình, người thân hãy nén đau thương mất mát sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các đồng chí!
Nổ mìn phá đá thông đường lên Rào Trăng 3
Sáng 22/10, lực lượng quân sự, giao thông sau khi khảo sát đã lên phương án nổ mìn để phá đá nằm án ngự trên tuyến đường 71 thông lên thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, lực lượng quân sự của Quân Khu 4 đã tiến hành khoan đặt thuốc nổ để phá 2 tảng đá bị sạt trượt nằm chắn ngang trên tuyến đường 71 trên đường dẫn lên thủy điện Rào Trăng 3. Hai tảng đá này nặng hàng chục tấn, nằm cạnh nhau và cách đường lên thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 2km.
Lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở GTVT) cũng tiến hành điều tiết giao thông, có phương án đưa người và phương tiện di chuyển qua khu vực này nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình nổ mìn phá đá.
Hiện tại các phương tiện xe múc, xe ủi đang tập trung xử lý các điểm sạt trượt nhỏ. Sau khi phá được các tảng đá lớn, thông đường 71 sẽ tập trung phương tiện, nhân lực xử lý các điểm sạt lở lớn trên tuyến.
Trong sáng 22/10, lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp tục duy trì lực lượng khoảng 100 người gồm quân sự, công an, dân sự và hàng chục phương tiện cơ giới thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.
Sở GTVT cũng đã điều động thêm 2 kỹ sư cầu đường tăng cường chỉ huy tại hiện trường và tập trung các phương tiện xe ben, xe múc, máy ủi xử lý các điểm sạt lở để thông tuyến đường 71.
Đến thời điểm hiện tại, đường từ tiểu khu 67 lên thủy điện Rào Trăng 4 đã thông (4km), đoạn từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 thông khoảng 7km, còn đoạn giữa 3 km chưa thông vì có 2 điểm sạt lở lớn, trôi lòng đường.
Trong khi đó, những ngày qua, nhân dân cả nước đang hướng về miền Trung với rất nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ người dân nơi đây. Bằng các loại phương tiện, nhiều đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân trên cả nước đã vận chuyển số lượng lớn hàng hóa, chủ yếu là nhu yếu phẩm tới các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, nhằm chung tay giúp đồng bào sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Mở đường vào 3 bản đồng bào Rục sau nhiều ngày chia cắt
Ngày 21/10, sau khi mưa lũ đã rút, Đồn Biên phòng Cà Xèng tổ chức lực lượng, phối hợp với người dân địa phương khắc phục sự cố sạt lở đoạn đường vào 3 bản thuộc đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Theo thông tin từ Đồn BP Cà Xèng, đến chiều ngày 21/10, đoạn từ đường Hồ Chí Minh vào các bản làng đồng bào Rục có 3 điểm chia cắt, dài hơn 2 km, nước lũ vẫn ngập rất sâu (điểm qua bản Ón ngập sâu 5,5 mét) và 1 điểm sạt lở rất nặng nề, nhiều tảng đá lớn đổ xuống làm che lấp mặt đường.
Hiện, việc qua lại cung đường độc đạo này vẫn được ca nô của bộ đội biên phòng và xuồng máy của chính quyền địa phương hàng ngày tiếp ứng.
Do điều kiện thô sơ, không có công cụ chuyên dụng nên phải mất gần một ngày vật lộn, lực lượng BĐBP và người dân địa phương mới dịch chuyển được những tảng đá khổng lồ, tạm thời thông đường qua lại để phục vụ các tổ chức, cá nhân kịp triển khai công tác cứu trợ.
Sau nhiều ngày chia cắt do mưa lũ, đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đang rất cần các nhu yếu phẩm, nước uống.
Nước lũ tại Quảng Bình đang rút
Đến sáng 22/10, thời tiết tại nhiều địa phương ở Quảng Bình khô ráo, không mưa, nước lũ rút nhanh; nhiều tuyến đường đã thông tuyến trở lại thuận lợi cho công tác cứu trợ. Khoảng 16.000/32.000 hộ được di dời đã trở về nơi ở sau khi nước rút.
Công tác dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả đang được người dân và các đơn vị tại Quảng Bình tích cực triển khai nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đến sáng nay, mực trước trên sông Nhật Lệ và sông Kiến Giang đã rút nhanh xuống báo động II. Tại các xã Hàm Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh… thuộc huyện Quảng Ninh nước đã rút khoảng 50cm, tuy nhiên nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã vẫn chưa thể thông tuyến do một số vị trí còn ngập nước. Tại huyện Lệ Thủy, cũng tình trạng tương tự, mặc dù nước lũ đã rút nhưng do đây là vùng trũng nên nhiều xã vẫn chưa thể tiếp cận bằng đường bộ.
Tại rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa nước vẫn còn ngập sâu hơn 1m, công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Riêng các huyện vùng bắc Quảng Bình như: Thị xã Ba Đồn, Bố Trạch nước đã rút, các tuyến đường đều đã thông tuyến thuận lợi cho công tác cứu trợ. Công tác vệ sinh đang được người dân, các đơn vị tích cực triển khai với phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó” nhằm phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Nhiều tuyến giao thông trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, các phương tiện không thể đi lại. Cụ thể như Quốc lộ 12A, đoạn km137+100 toàn bộ nền đường bị đứt gãy, sụt lún, lực lượng chức năng đã cắm biển phong tỏa không để người dân, phương tiện giao thông đi qua. Một số tuyến tỉnh lộ bị sạt lở, phương tiện giao thông không thể qua lại như ở Km34+00, Km41+064 Quốc lộ 9C; Km28+900 Quốc lộ 9E; Km55+00-Km60+00 và Km71-Km83+00 Quốc lộ 9B… Tuyến đường độc đạo vào xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nhiều điểm sạt lở làm mất nền đường, phương tiện giao thông cũng không thể qua lại.
Hiện các hồ chứa do địa phương quản lý đã đạt 100% dung tích thiết kế, tuy nhiên có 4 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn gồm: Hồ Khe Gạo (huyện Bố Trạch), hồ Dạ Lam (huyện Lệ Thủy), hồ Trởm-Hiền Ninh và hồ Hóc Bốm-Trường Xuân (huyện Quảng Ninh). Lực lượng chức năng đã triển khai các phương án ứng phó.
Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng vừa ban hành công điện khẩn về việc khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh và ứng phó với diễn biến của bão trên Biển Đông (cơn bão số 8).
Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3: Lên phương án phá đá trên tuyến đường 71
Tuyến đường 71, đoạn từ Thủy điện Rào Trăng 4 đến Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) xuất hiện một tảng đá lớn trên 30m3 áng ngự. Các lực lượng chức năng đang lên phương án nổ mìn để phá tảng đá này, thông tuyến đến Thủy điện Rào Trăng 3.
Tại cuộc họp rà soát công tác thi công thông tuyến đường 71 vào Thủy điện Rào Trăng 3 ngày 21/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quân khu 4 chỉ đạo lực lượng quân sự, công binh hỗ trợ triển khai nổ mìn phá tảng đá này theo hình thức “ăn dần” phá từng mảnh nhỏ để tránh chấn động đến địa chất xung quanh.
Ngay trong đêm 21/10, lực lượng công binh Quân khu 4 được điều động để đến đường 71 thực hiện phá đá mở đường; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong ngày 22/10.
Ngoài ra, 3km đường từ Thủy điện Rào Trăng 4 lên Thủy điện Rào Trăng 3 chưa thông được do có hai điểm sạt lở lớn, phần đường bị trôi bên cạnh sườn núi cao. Trong ngày 22/10, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ cử thêm chuyên gia để khảo sát đoạn sạt lở nghiêm trọng này để lên phương án xử lý. Trong trường hợp gặp khó khăn, tỉnh sẽ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ xử lý.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, cùng với sự hỗ trợ của Quân khu 4, các lực lượng chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công, trọng tâm là thông đường 71 lên Thủy điện Rào Trăng 3 để sớm đưa phương tiện, lực lượng đến phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng tích cực huy động, sửa chữa phương tiện hiện có tại Thủy điện Rào Trăng 3 để đẩy mạnh việc tìm kiếm tại chỗ; tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xác định điểm nghi ngờ để tìm kiếm công nhân mất tích.
Trong ngày 21/10, Viettel đã hoàn thành lắp thiết bị phát sóng tại Thủy điện Rào Trăng 3 phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn. Bên cạnh đó, các thiết bị máy móc đã được đưa vào khu vực Rào Trăng 3 để thay thế sửa chữa các máy múc bị hư hỏng do mưa lũ, tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm tại chỗ.
Sở Giao thông vận tải tỉnh đã điều động thêm hai kỹ sư cầu đường tăng cường chỉ huy tại hiện trường và tập trung các phương tiện xe ben, xe xúc, máy ủi xử lý các điểm sạt lở để thông tuyến đường 71. Hiện đường từ tiểu khu 67 lên Thủy điện Rào Trăng 4 đã thông. Đoạn đường từ Thủy điện Rào Trăng 4 lên Thủy điện Rào Trăng 3 thông khoảng 7km, còn 3 km đoạn giữa vẫn chưa thể thông.
Ngoài ra, tuyến đường từ đập Rào Trăng 4 xuống bến thuyền đã mở, thuận tiện vận chuyển các thiết bị nặng phục vụ thi công. Để đảm bảo xử lý điểm sạt lở tại km 13, ngành giao thông đã tập trung xe ben vận chuyển đá, ống by, rọ thép để thi công. Tuy nhiên, do đường nhỏ, trơn lầy, trời có mưa nên công suất hạn chế, mỗi xe chỉ vận chuyển 1 – 2m3 và phải kết hợp trung chuyển mới đưa được vật tư vào.
Hỗ trợ ngay xúc xích, thịt nguội; huy động trực thăng vận chuyển cho vùng lũ
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp ngày 21/10 về ứng phó với bão số 8 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương, cùng với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ và khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản và ổn định cuộc sống cho người dân.
Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là tập trung tiếp cận, cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lũ.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hỗ trợ ngay xúc xích, thịt nguội và các thực phẩm khác cho người dân các tỉnh đang còn bị ngập lũ theo đề nghị của các địa phương; giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) để kịp thời vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân ở các khu vực còn bị ngập sâu, chia cắt, nhất là các khu vực còn chưa tiếp cận được.
Các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ cần chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương để tổ chức tốt công tác cứu trợ cho người dân tránh tập trung hỗ trợ ở một vài nơi, trong khi người dân ở những vùng sâu, vùng xa không được quan tâm hỗ trợ đầy đủ.
Bão số 8 đang tiếp tục di chuyển hướng về phía vùng biển và đất liền nước ta. Theo dự báo, bão còn tiếp tục mạnh thêm (sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14), có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền và gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ trong một vài ngày tới. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm bốn tại chỗ…
Nhằm kịp thời hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg về việc xuất trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh miền Trung, ngay trong ngày 20/10, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai xuất cấp các thiết bị như xuồng cao tốc, phao cứu sinh phục vụ công tác cứu hộ.
Cụ thể, Tổng cục đã ban hành Quyết định số 667/QĐ-TCDT giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất khẩn cấp các trang thiết bị dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh theo đúng số lượng, danh mục hàng dự trữ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng cục yêu cầu phải hoàn thành công tác xuất cấp hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung trước ngày 31/10/2020.
Hơn 43.000 nhà tại Quảng Bình vẫn ngập
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết: Mặc dù nước lũ đã xuống nhiều, tuy nhiên đến trưa 21/10 vẫn còn 43.274 ngôi nhà ngập trong nước lũ.
Theo thống kê của các địa phương, hiện số nhà còn bị ngập lụt như sau: Lệ Thủy hơn 30.000 nhà; Quảng Ninh 9.326 nhà; Bố Trạch 2.234 nhà; Minh Hóa 223 nhà; Ba Đồn 470 nhà; Đồng Hới 340 nhà; Quảng Trạch 681 nhà.
Số thôn, bản bị chia cắt, cô lập: Quảng Ninh có 56 thôn/11 xã; Bố Trạch có 42 thôn, bản; vùng biên giới còn 52 thôn, bản/8xã /4 huyện còn bị chia cắt. Tổng số hộ dân đã di dời 31.251 hộ, hiện đã trở về nhà 8.528 hộ.
Mưa lũ đã làm chết 9 người (gồm: Lệ Thủy 2; Quảng Ninh 2; Ba Đồn 2; Tuyên Hóa, Minh Hóa và Đồng Hới mỗi địa phương 1 người); 29 người bị thương (Ba Đồn 13; Tuyên Hóa 9; Minh Hóa 3; Lệ Thủy 2; Đồng Hới và Bố Trạch mỗi địa phương 1 người).
Theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông vận tải, hiện tuyến đường sắt chỉ lưu thông được chiều từ Đồng Hới đi thành phố Hồ Chí Minh. Về đường bộ: Hiện còn nhiều điểm trên các tuyến đường còn bị tắc đường chưa lưu thông được, như: Quốc lộ 1 đoạn qua xã Võ Ninh (Quảng Ninh), xã Cam Thủy (Lệ Thủy); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua xã Sơn Trạch (Bố Trạch); quốc lộ 12C đoạn qua xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa); các tuyến quốc lộ còn nhiều điểm tắc đường như: 12A, 15, 9B, 9C, 9E; các tuyến đường tỉnh lộ còn nhiều điểm tắc đường như: 558B, 558C, 559B,562, 564, 564B, 569, 570…
Hiện các địa phương, lực lượng chức năng từ tỉnh đến các thôn, bản cùng người dân tại địa phương, nhất là quân sự, biên phòng, công an… vẫn đang tập trung và huy động tối đa mọi nguồn lực có thể để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân vùng lũ lụt. Đặc biệt là việc cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác… nhằm không để xảy ra việc có người dân bị đói, khát…
Tại Hà Tĩnh, dù nước lũ đã bắt đầu rút nhưng đến chiều 21/10, vẫn có khoảng 13.340 hộ/43.030 nhân khẩu ở huyện Cẩm Xuyên thuộc vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ bị ngập. Các xã gồm: Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh… đỉnh lũ năm 2020 ở mức cao hơn năm 2010 từ 40 – 60 cm.
Cứu trợ người dân là nhiệm vụ số 1
Sáng 21/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền Trung.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Dù đã có dự báo sớm và cả hệ thống vào cuộc rất quyết liệt nhưng với những diễn biến bất thường của bão, lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua gây thiệt hại nặng nề nhất trong 5 năm trở lại đây.
Khi kiểm tra vùng thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung, Phó Thủ tướng nhận thấy vẫn còn nhiều hộ dân rất khó khăn, nhất là về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
“Tôi đề nghị tập trung cứu trợ người dân, đặc biệt là ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Khẩn trương cứu trợ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con. Bão số 8 đang vào và dự kiến vùng ảnh hưởng rất rộng vì thế công tác cứu trợ phải khẩn trương hơn nữa. Cần nhất bây giờ là chất đốt để nấu nướng, vì điện lưới nhiều nơi đang mất”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Từ thực tế chuyến công tác ngày hôm qua (20/10), tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều đoàn cứu trợ mới chỉ vào khu vực thuận lợi về giao thông, còn nhiều chỗ khó khăn hàng cứu trợ chưa đến được với người dân. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục cử đoàn vào các tỉnh miền Trung nắm sát nhu cầu cần hỗ trợ của bà con. “Ngoài lương thực cần chú ý hỗ trợ các loại thực phẩm, rau xanh… đảm bảo đủ dinh dưỡng, sức khỏe cho người dân”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Hàng hóa cứu trợ cần tập trung giao về đầu mối các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan chuyên trách mới nắm được chính xác danh sách, từ đó hàng cứu trợ mới đến đúng các hoàn cảnh cần hỗ trợ.
Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị chuyên trách của Bộ Quốc phòng tính toán phương án sử dụng trực thăng để đẩy nhanh tốc độ cứu trợ người dân vùng lũ.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng có liên quan cùng địa phương phải vào dồn tổng lực vào cuộc hướng dẫn ngư dân trên biển và ven biển phải kịp thời vào nơi tránh trú, bảo đảm an toàn cho những người dân nuôi trồng thủy sản trên biển, khách du lịch…
Việc đảm bảo an toàn trên đất liền cần tiếp tục được thực hiện kịp thời, các địa phương có phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm như nước ngập sâu, chảy xiết, gần các công trình không an toàn…
Xuất cấp 5.000 tấn gạo cho nhân dân miền Trung
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành các quyết định giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực (DTNN KV) khẩn trương triển khai xuất gạo cho các tỉnh.
Cụ thể, Cục DTNN KV Nghệ Tĩnh xuất 1.000 tấn gạo cho tỉnh Hà Tĩnh; Cục DTNN KV Bình Trị Thiên xuất 3.000 tấn gạo cho các tỉnh: Quảng Bình 1.000 tấn; Quảng Trị 1.000 tấn; Thừa Thiên Huế 1.000 tấn; Cục DTNN KV Đà Nẵng xuất 1.000 tấn gạo cho tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có các văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh sớm có kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo cho các đối tượng được hỗ trợ gạo đảm bảo đúng định mức theo quy định; đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành của địa phương khẩn trương phối hợp với các Cục DTNN KV trong việc giao, tiếp nhận gạo tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, để đảm bảo hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời cho các tỉnh hỗ trợ cho nhân dân các địa phương, Tổng cục DTNN cũng đã quán triệt, chỉ đạo các Cục DTNN KV chuẩn bị sẵn sàng nguồn gạo, xây dựng kế hoạch xuất kho, bốc xếp, vận chuyển để bảo đảm giao gạo kịp thời theo đúng kế hoạch tiếp nhận của các địa phương; đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh và các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, phân phối gạo hỗ trợ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý việc sử dụng gạo dự trữ quốc gia đến đối tượng thụ hưởng; bảo đảm chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia của Chính phủ để cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ được hiệu quả, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
Lũ vượt mức lịch sử trên 5 tuyến sông
Thông tin mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: Lũ lớn đã xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính tại khu vực Trung Bộ. Trong đó có 5 tuyến sông lũ đã vượt mức lịch sử: Sông Kiến Giang tại Quảng Bình; sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu tại Quảng Trị; sông Bồ tại Thừa Thiên-Huế.
Trong khi đó, bão số 8 đang hướng vào miền Trung và được dự báo sẽ liên tục tăng cấp trong những ngày tới. Đến 07h ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 14. Trong 72 đến 96h tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Ứng phó với bão số 8, tính đến 6h00 ngày 21/10, các địa phương trong vùng ảnh hưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.598 phương tiện với 263.044 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Hiện đang có 10. 547 tàu với 76.449 lao động vẫn đang hoạt động trên biển ở khu vực Hoàng Sa của Bình Định, còn lại hoạt động vùng biển khác và ven bờ.
Từ ngày 6 đến 20/10, thiên tai xảy ra ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã khiến 133 người chết, mất tích. Trong đó, có 111 người chết, nặng nề nhất là Quảng Trị với 49 người chết. 22 người mất tích, tromg đó Thừa Thiên Huế nhiều nhất với 15 người tại khu vực Rào Trăng 3.
Thiên tai cũng làm 16 tuyến quốc lộ, 163.150m đường quốc lộ, 161.880m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng.
Hiện đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Bình còn 7 vị trí ngập, sạt lở và nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt; Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh còn ngập. Thiên tai cũng làm 371ha lúa, 6.989ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Đưa các thiết bị công suất lớn vào Rào Trăng 3
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết hôm nay 21/10, các lực lượng giao thông, công binh tiếp tục thực hiện thông tuyến đường 71 đến đến thuỷ điện Rào Trăng. Hiện còn khoảng 3 km nữa sẽ tiếp cận Rào Trăng 3, tuy nhiên có 2 điểm sạt lở lớn, sập 1 phần đường nhựa.
Trong khi đó, lực lượng đang có mặt tại Rào Trăng 3 tiếp tục chủ động tìm kiếm, cứu nạn bằng 1 máy xúc và lực lượng nhân công hiện có tại hiện trường.
Tại cuộc họp rà soát công tác thi công thông tuyến đường 71 vào thủy điện Rào Trăng vào chiều tối 20/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo: Theo dự báo thời tiết từ 21-24/10 chưa có gì đột biến, lượng mưa vẫn thấp nên các lực lượng cần tranh thủ từng giờ, từng ngày, huy động thêm lực lượng, phương tiện, vật tư để thông tuyến đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3. Bằng mọi cách phải rút ngắn thời gian thông tuyến đường 71 vào Rào Trăng 3 nhưng bảo đảm an toàn cho lực lượng thi công.
Quát triệt phương châm “4 tại chỗ”, cùng với sự hỗ trợ của Quân Khu 4, yêu cầu các lực lượng chức năng phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân để đẩy nhanh công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, tuy gặp rất nhiều khó khăn do tuyến đường 71 bị sạt lở khá nhiều nhưng các lực lượng vẫn tiếp tục triển khai thông đường đưa xe từ phía Trạm 67 lên thuỷ điện Rào Trăng 4, mở đường từ Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3. Chỉ còn 3 km nữa là tuyến đường Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3 sẽ được thông.
Song song với các công việc tại hiện trường, các cơ quan chức năng cũng đã thiết lập kênh liên lạc để thường xuyên cung cấp thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của thân nhân người bị nạn; đồng thời lấy mẫu, xác định ADN của thân nhân người bị nạn để có thể tiến hành kiểm tra, đối chiếu ngay khi cần thiết.
Phấn đấu trong ngày 21/10, sẽ đưa được các phương tiện, thiết bị (hơn 10 máy đào, ủi, xúc, 2 máy bơm nước công suất lớn) vào Rào Trăng 3, liên lạc viễn thông, giao thông được kết nối hoàn toàn với Rào Trăng 4. Cùng với hơn 100 chiến sĩ, công nhân đã có mặt tại hiện trường và tiếp tục bổ sung chi viện đến hiện trường. Nếu thời tiết thuận lợi, từ ngày mai 22/10 sẽ là đợt cao điểm tìm kiếm các nạn nhân tại Rào Trăng 3.
Bảo đảm an toàn hồ Kẻ Gỗ
Ngày 20/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra hồ Kẻ Gỗ, thị sát tình hình mưa lũ và công tác ứng phó tại tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm hỏi bà con phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn đang tập trung tránh trú bão tại trụ sở HĐND phường. Phó Thủ tướng đã tặng bà con các nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, muối, dầu ăn, sữa…
Phó Thủ tướng cũng thị sát khu vực hồ thủy lợi sông Gianh, động viên các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân, trong đó lực lượng công an đã kịp thời hỗ trợ 3 người dân bị thương đi bệnh viện.
Trước đó, cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang kiểm tra tình hình hồ Kẻ Gỗ, tình hình ngập lụt và làm việc nhanh với lãnh đạo tỉnh.
Phát biểu khi kiểm tra Hồ Kẻ Gỗ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo đảm an toàn hồ Kẻ Gỗ là nhiệm vụ số 1, đánh giá cao chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Trong vận hành, vừa phải giữ được nước ngọt nhưng phải bảo đảm mức nước an toàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu hết sức linh hoạt, không chủ quan trong vận hành hồ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương và cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi để có phương án ứng phó; tập trung theo dõi toàn bộ các tuyến đập, chỗ nào có sự cố xử lý kịp thời.
Qua kiểm tra và báo cáo của lãnh đạo tỉnh, khẳng định hồ Kẻ Gỗ an toàn, cả về quản lý, vận hành với quy trình chặt chẽ, khoa học; an toàn về thiết kế hồ; sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh và sự tham gia của các cơ quan.
Sau đó, Phó Thủ tướng đã thị sát tình hình mưa lũ, thăm hỏi người dân và động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão, cứu trợ người dân.