BVR&MT – Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang có độ cao từ 1.100 – 1.600 m so với mực nước biển và nằm trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích trên 2.356,8 km2 và quy mô dân số (tính đến cuối năm 2016) là trên 290 nghìn người; đây cũng là nơi cư trú của 17 dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy…
Ngày 03/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang chính thức được UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, giai đoạn 2011 – 2014 và vào ngày 12/11/2014, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO tái công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, giai đoạn 2015 – 2018. Sau hơn 07 năm được UNESCO công nhận, Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang đã có nhiều khởi sắc mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều dễ nhận thấy là sự gia tăng các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản gắn với phát triển du lịch bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững Cao nguyên đá đã có sự vào cuộc và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh; trong đó, nổi bật là ngành Văn hóa thể thao và Du lịch. Nhiều điểm nhấn trên Cao nguyên đá đã được ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tham mưu, đầu tư , kêu gọi các nguồn lực cho đầu tư, phát triển bền vững nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo nguồn sinh kế cho người dân địa phương. Điểm nổi bật phải kể đến những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên Cao nguyên đá Đồng Văn như việc bảo tồn và phát huy các lễ hội văn hóa truyền thống, tập quán canh tác trong sản xuất nông nghiệp của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số anh em…
Từ những mục tiêu chung trong công tác bảo tồn, xây dựng và phát triển bền vững Cao nguyên đá, các ngành chức năng của Hà Giang đã đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới với những cơ chế đặc thù, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh theo hướng hàng hóa trên Cao nguyên đá Đồng Văn như phát triển sản phẩm của các loài cây dược liệu, mật ong Bạc hà huyện Mèo Vạc, Hồng không hạt huyện Quản Bạ, cải tạo và nâng cao chất lượng giống bò vàng địa phương theo hướng hàng hóa… gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, khai thác các nguồn nước ngầm và triển khai xây dựng các hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân cũng đã được xúc tiến triển khai. Ngoài ra, để tạo cảnh quan phục vụ cho công tác du lịch, các ngành chức năng của Hà Giang và các địa phương trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đã đẩy mạnh công tác trồng các loại cây cảnh quan, mở rộng diện tích trồng cây Hoa Tam giác mạch để phục vụ cho các mùa Lễ hội.
Ngoài ra, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý các chất thải, xây dựng các khu du lịch sinh thái cũng được các ngành chức năng của Hà Giang đặc biệt quan tâm và xúc tiến triển khai. Nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên vùng Cao nguyên đá, trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã đề xuất với Trung ương cấp các nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, trang bị các hệ thống biển báo, cảnh báo giao thông…trên nhiều tuyến đường của 4 huyện Cao nguyên đá; phấn đấu đến cuối năm 2018, có trên 70% tuyến quốc lộ 4C là con đường huyết mạch nối 4 huyện Cao nguyên đá với thành phố Hà Giang có chiều rộng đạt từ 5 – 5,5 m. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng đang đẩy mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp các tuyến đường phụ trợ khác tại các địa phương tại 4 huyện Cao nguyên đá…
Phạm Văn Phú