BVR&MT – Các đợt mưa lớn kéo dài diễn ra trong tháng 5 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã gây mưa lũ, sạt lở đất làm thiệt hại tính mạng, tài sản người dân và ảnh hưởng giao thông. Hiện các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tại Cao Bằng đã tích cực, nỗ lực và chủ động khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân, giảm ảnh hưởng của thiên tai đến đời sống và sản xuất.
Nỗ lực bảo đảm giao thông thông suốt
Với địa hình vùng cao, nhiều đồi núi, lượng mưa lớn và kéo dài đã khiến đất, đá “ngậm” nước, dẫn đến sạt lở. Ngành giao thông là lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ tại Cao Bằng. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Cao Bằng, trong tháng 5, trên 18 tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ do Sở quản lý, bảo trì, xảy ra 225 vị trí bị sạt lở đất đá, cây gãy đổ, tổng khối lượng đất đá sạt lở ra đường giao thông khoảng 27 nghìn m3 gây tắc nghẽn và ảnh hưởng giao thông, thiệt hại gần 8,3 tỷ đồng.
Nỗ lực bảo đảm giao thông thông suốt, bà Trịnh Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Bằng cho biết, Sở kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm kế hoạch phòng chống thiên tai, bảo đảm giao thông trong mùa mưa lũ năm 2022. Các đơn vị đã chủ động bố trí 25 xe tải và 39 máy xúc, máy ủi trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ chủ động ứng phó, khắc phục khi có thiệt hại.
Đến nay, 100% điểm sạt lở, tắc nghẽn giao thông trên tuyến tỉnh lộ và quốc lộ tại Cao Bằng đều được khắc phục, xử lý ngay trong ngày, bảo đảm giao thông. Các vị trí sạt lở, nguy hiểm các nhà thầu bảo trì đường bộ lập hàng rào, cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, trong xử lý các điểm sạt lở lớn trên các tuyến giao thông hiện có bất cập. Trước đây, tại các điểm sạt lở lớn cần được xử lý triệt để, sau khi các đơn vị liên quan thống nhất phương án kỹ thuật để xử lý, chủ đầu tư có thể tiến hành thủ tục, triển khai thi công, khắc phục sạt lở. Từ ngày 1/3, thực hiện nội dung Thông tư số 43 của Bộ Giao thông vận tải, đối với các vị trí sạt lở lớn, cần khắc phục triệt để, trên quốc lộ, cần có quyết định công bố tình trạng khẩn cấp của Bộ trưởng Giao thông vận tải và Tổng Cục đường bộ ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, chủ đầu tư mới bắt đầu tiến hành thủ tục, triển khai thi công.
Đối với tỉnh lộ và các cấp đường còn lại, cần Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công bố tình trạng khẩn cấp, Sở Giao thông vận tải ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp mới có thể triển khai khắc phục triệt để.
Do quy định như vậy, thời gian thực hiện các thủ tục có thể kéo dài hằng tháng, dẫn đến chậm trễ trong xử lý triệt để các điểm sạt lở lớn. Thí dụ cho tình trạng này là vị trí km 90+760 trên quốc lộ 34, thuộc địa phận huyện Bảo Lâm, từ đầu tháng 5 đến nay, vị trí ta luy dương liên tục sạt lở hơn 6 nghìn m3 đất, đá, gây tắc đường từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ trong các ngày 10, 11, 24 và 25/5. Vị trí này cần được xử lý triệt để sạt lở, nhưng do quy định, đơn vị thi công chỉ được hót, dọn đất trên mặt đường, bảo đảm thông tuyến, chưa thể thi công triệt để.
Di dời người dân đến nơi an toàn
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tháng 5, tại Cao Bằng, mưa lũ, sạt lở đất đã làm 2 người thiệt mạng, 55 ngôi nhà bị đổ sập, hư hại, hàng trăm ha cây trồng bị ngập úng, nhiều tuyến đường giao thông bị đất, đá sạt lở làm ách tắc và ảnh hưởng giao thông, tổng thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hiện công tác phòng, chống, khắc phục, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, các cấp, ngành, địa phương tại Cao Bằng nỗ lực, đồng bộ thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai.
Trong đó, nội dung quan trọng là các địa phương cần chủ động kiểm tra, rà soát, vận động và hỗ trợ người dân ở các vị trí có nguy cơ sạt lở, tạm thời di chuyển đến nơi an toàn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng Nguyễn Thái Hà cho biết, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét.
Từ đó, chủ động vận động và hỗ trợ, sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và sẵn sàng các phương án chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời. Nỗ lực hạn chế thấp nhất thiệt hại về người do mưa lũ, sạt lở đất đá gây ra.
Tại huyện Bảo Lạc, trong tháng 5, có 19 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng do sạt lở đất. Trong đó, tại xã Hưng Thịnh có 5 ngôi nhà bị đất đá ta luy dương sau nhà sạt lở, tràn lấp, tổng khối lượng đất, đá tràn lấp 145m3. Xã Cốc Pàng có 4 ngôi nhà bị sạt lở 80m3 đất đá. Tại thị trấn Bảo Lạc, có 3 ngôi nhà bị sạt lở 736m3 đất đá, trong đó, vụ sạt lở đất, đá xảy ra ngày 28/5, tại tổ dân phố 5 đã làm 1 người tử vong.
Đồng chí Tô Đức Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc cho biết, đơn vị đã phối hợp kiểm tra tại các xã, thị trấn, phối hợp vận động và hỗ trợ 6 gia đình ở vị trí có nguy cơ cao, di chuyển đến nơi ở tạm thời, bảo đảm an toàn người và tài sản.
Dự báo thời gian tới, thiên tai có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng chỉ đạo và yêu cầu tất cả các cấp, ngành, địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, quan trọng hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân và giao thông thông suốt.