Cao Bằng: Kế hoạch thực hiện Chương trình sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025

BVR&MT – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo đã ký ban hành Kế hoạch số 3438/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Mục đích của Kế hoạch nhằm phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của cộng đồng xóm, xã theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP; xác định rõ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm; sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ngành và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Sản phẩm rượu Ngô Cải Vân

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia Chương trình OCOP góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Duy trì, nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; tổ chức đánh giá, xếp hạng, công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh hàng năm và giai đoạn 2021-2025. Thực hiện tốt các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng.

Mục tiêu là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, phấn đấu 10 sản phẩm đạt 04 sao và 01 sản phẩm đạt 05 sao; duy trì, củng cố 100%, các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng. Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị (đối với sản phẩm nông sản) theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Tỷ lệ lao động được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các cơ sở sản xuất của chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%, phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ; ít nhất 60% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. 100% công chức, viên chức được giao phụ trách Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể (có đăng ký kinh doanh) tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Chương trình…

Các nội dung thực hiện gồm: Tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy về Chương trình OCOP; Phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, lợi thế vùng nguyên liệu địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá, công bố và kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; Quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP; Tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP.

Sơn Tinh

Tags:
CHIA SẺ