BVR&MT – Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Giang liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc liên quan đến loại quả rừng có tên là hồng châu. Các vụ ngộ độc đã khiến nhiều trẻ nhỏ phải cấp cứu tại bệnh viện, trong số đó có không ít trẻ tử vong.
Khoảng 15 giờ ngày 6/8, hai cháu Hầu Mí Sình và Hầu Mí Đình, cùng trú tại thôn Lù Cao Ván, xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh đi vào rừng lấy củi. Thấy quả hồng châu chín trên cây đã tự hái ăn, cháu Sình ăn 4 quả, cháu Đình không nhớ số lượng. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, cháu Sình về nhà báo cho gia đình thấy khó chịu; còn cháu Hầu Mí Đình không tự về nhà được mà gia đình phải đón ở rừng về.
Cả hai cháu đều có các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, đau bụng đi ngoài, nôn. Đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, hai cháu được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh khám và điều trị. Sáng 7/8, cháu Hầu Mí Đình do ngộ độc nặng nên đã tử vong; cháu Hầu Mí Sình được Bệnh viện da khoa khu vực Yên Minh chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang điều trị tích cực, nhưng đến chiều cùng ngày đã tử vong.
Trước đó, ngày 3/8, cháu Ly Thị Chở và Ly Thị Mỷ, thôn Khúa Lủng, xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, suy hô hấp nặng, dẫn đến tử vong.
Được biết, cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng hai ngón tay người lớn, màu của lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm. Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Khi có dấu hiệu bị ngộ độc quả hồng châu.
Chỉ từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, tại các huyện vùng cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang đã liên tiếp xảy ra 4 vụ ngộ độc do ăn qua hồng châu. Trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ, từ 4 đến 12 tuổi.
Thời điểm này, quả hồng châu đang chín rộ. Cấp ủy, chính quyền tại các địa phương vùng cao của tỉnh Hà Giang cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng tránh ngộ độc do ăn quả hồng châu.
Về lâu dài, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cần phối hợp cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho học sinh nhận biết các loại cây, quả có độc tố, trong đó có quả hồng châu để trẻ nhận biết và phòng tránh.