BVR&MT – Cùng với sự thuận tiện và lợi ích khi “tiêu trước trả sau”, thẻ tín dụng đang dần trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên trong những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới câu chuyện khách hàng của một chi nhánh ngân hàng tại tỉnh Quảng Ninh phát sinh dư nợ thẻ tín dụng ở mức 8,5 triệu đồng nhưng không thanh toán, 11 năm sau, dư nợ lên đến hơn 8,8 tỷ đồng.
Được biết Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã yêu cầu chi nhánh ngân hàng nêu trên có văn bản báo cáo về sự việc. Song trước khi câu chuyện trên được tường minh, những người sở hữu thẻ tín dụng lại được một bài học cảnh giác và nhắc nhở mình phải thật cẩn thận để tránh rơi vào hoàn cảnh này.
Trước hết, hiểu một cách đơn giản thì thẻ tín dụng (credit card) là một loại thẻ ngân hàng mà người sở hữu thẻ có thể dùng để thanh toán mà không cần tiền có sẵn trong thẻ. Hay nói cách khác là phía ngân hàng sẽ cung cấp cho khách hàng một hạn mức thẻ tín dụng để chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ được cấp.
Điều này cũng có nghĩa là khách hàng được “mượn” một số tiền của ngân hàng để mua sắm, chi tiêu và cuối kỳ sẽ phải trả lại đầy đủ cho ngân hàng. Và sở dĩ gọi “mượn” là bởi chủ thẻ sẽ được hưởng thời gian miễn lãi suất trung bình từ 45-55 ngày.
Nhưng sau thời gian được hưởng miễn lãi suất, nếu người dùng thẻ tín dụng không thanh toán đầy đủ sẽ bị coi là nợ thẻ tín dụng quá hạn. Theo quy định của một số ngân hàng, khách hàng có nợ thẻ tín dụng quá hạn sẽ phải chịu phí phạt thanh toán chậm khoảng 5% và chịu lãi suất khoảng 20-40%. Tùy vào tình trạng quá hạn mà khoản nợ sẽ bị áp dụng mức lãi suất khác nhau.
Đáng lưu ý, một hệ quả khá nặng nề mà nhiều chủ thẻ vô tình bỏ qua hoặc không biết, đó là nếu bị vướng vào nợ thẻ tín dụng, thông tin khoản nợ của khách hàng rất có thể sẽ bị chuyển thành nợ xấu trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), bị cấm tham gia bất kỳ khoản vay nào khác tại các ngân hàng thương mại.
Mặt khác, dù đã thanh toán xong dư nợ, nhưng lịch sử đã vướng nợ xấu trên CIC thì khách hàng sẽ phải mất từ 2 đến 5 năm để xây dựng lại điểm tín dụng, sau đó mới có thể tiến hành vay vốn ngân hàng.
Trong khoảng thời gian xây dựng tín dụng, khách hàng cũng sẽ bị hạn chế tham gia tất cả khoản vay tại các ngân hàng và công ty tài chính. Đặc biệt, căn cứ theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, những khoản nợ từ 2 triệu đồng trở lên và quá hạn trong vòng 36 tháng, ngân hàng thương mại có thể lập hồ sơ khởi kiện. Điều này đồng nghĩa chủ thẻ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý với các khoản nợ quá hạn của thẻ tín dụng.
Vì vậy, giới chuyên gia và các ngân hàng thương mại đều khuyến cáo người sử dụng thẻ tín dụng khi chi tiêu bằng thẻ cần chú ý thời hạn miễn lãi suất để thanh toán kịp thời các khoản nợ; bảo đảm thanh toán đầy đủ số tiền nợ trước hoặc trong ngày đáo hạn để tránh phí trễ hạn và lãi suất.
Ngoài ra, chủ thẻ cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thẻ tín dụng của mình, thường xuyên kiểm tra và theo dõi các giao dịch trên thẻ thông qua các công cụ hỗ trợ quản lý tài chính để có cái nhìn tổng quan về số tiền đã chi tiêu và số dư còn lại trên thẻ.
Nếu có thẻ, chủ thẻ nên thiết lập thanh toán tự động để bảo đảm việc thanh toán đúng hạn mà không cần phải lo lắng về việc quên hoặc quá hạn. Bên cạnh đó, do lãi suất thẻ tín dụng cao, cho nên nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo chủ thẻ cần tham khảo mức lãi suất của các ngân hàng thương mại trước khi mở thẻ để lựa chọn ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất, cũng như cân nhắc khả năng tài chính để có kế hoạch trả nợ.
Cuối cùng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ thông tin khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, mua trả góp, vay ngân hàng,… sẽ được lưu thông tin trên CIC. Toàn bộ quá trình trả nợ, vay nợ, chậm trả nợ của khách hàng, doanh nghiệp sẽ được lưu trên cổng thông tin này.
Do đó, chủ thẻ tín dụng cũng có thể tìm hiểu để kiểm tra tình trạng sử dụng thẻ tín dụng cũng như nợ xấu (nếu có) của mình thông qua CIC hoặc kiểm tra trực tiếp tại ngân hàng bằng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.