Cần tăng cường giám sát trước khi lệnh cấm ngà voi của Hồng Kông có hiệu lực

BVR&MT – Việc Hồng Kông thông qua luật cấm buôn bán ngà voi vào năm 2018 được coi là bước ngoặt đáng kể trong nỗ lực phòng chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Tuy nhiên, dựa trên một số dữ liệu nghiên cứu, TRAFFIC cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn đối với kho ngà voi thuộc sở hữu tư nhân, ngà voi cổ và việc cấp giấy phép để ngăn chặn những sản phẩm này xâm nhập thị trường bất hợp pháp trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào cuối năm nay.

Theo báo cáo “Ebbing Away” của TRAFFIC mới công bố trước Ngày Voi Thế giới (12/8), ít nhất 39.000 sản phẩm làm từ ngà voi vẫn được lưu hành ở Hồng Kông vào năm 2019. Tính đến cuối 2020, các kho dự trữ ngà voi thương mại đăng ký với chính phủ Hồng Kông đã giảm khoảng 51 tấn, theo hồ sơ của chính phủ công bố vào năm 2021.

Các phát hiện của báo cáo cho thấy việc đăng ký ngà voi cổ và thuộc sở hữu tư nhân nên được thực hiện trước hoặc là một phần của lệnh cấm cùng với việc nhập kho/dự trữ toàn bộ tất cả các sản phẩm ngà voi để cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc, ngay cả khi thị trường ngà voi của Hồng Kông sắp đến ngày kết thúc. Lý tưởng hơn, TRAFFIC khuyến nghị các thương nhân nên được yêu cầu cập nhật lượng hàng tồn kho với hồ sơ giao dịch hàng tháng cho Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Bảo tồn Hồng Kông (AFCD).

Ngà voi đã qua chế tác được trưng bày ở Hồng Kông. Ảnh: Warren R.M. Stuart / CC 2.0 Generic License/Mongabay

James Compton, Trưởng nhóm TRAFFIC trong Dự án Phòng chống buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, đánh giá và xác định ưu tiên (Wildlife-TRAPS) cho biết: “Trong trường hợp xấu nhất, vẫn còn một điểm mù tiềm ẩn cho việc ngà voi được buôn lậu ra khỏi Hồng Kông, bất chấp những nỗ lực không ngừng của Cục Thuế và Hải quan Hồng Kông, AFCD và các cơ quan thực thi pháp luật khác”. Điều này rất đáng quan ngại bởi ngà cổ được miễn áp dụng lệnh cấm và sẽ không yêu cầu giấy phép nhập khẩu, tái xuất khẩu hoặc sở hữu vì mục đích thương mại. Theo yêu cầu của AFCD, các thương nhân chỉ cần chứng minh ngà voi được nhập khẩu trước Công ước CITES hoặc có giấy chứng nhận trước Công ước (lấy từ quốc gia xuất khẩu) để xác định tuổi và nguồn gốc xuất xứ.

“Cho phép buôn bán ngà voi cổ mà không cần giấy phép làm giảm khả năng thực thi pháp luật theo dõi hoạt động buôn bán, đặc biệt là việc rửa ngà voi bất hợp pháp vào thị trường đồ cổ. Giấy phép sở hữu ngà voi cổ cần được rà soát lại, kết hợp với các kỹ thuật tiêu chuẩn để xác định tính cổ xưa của các món đồ xin đăng ký. Việc buôn bán hợp pháp ngà voi cổ có thể được quản lý, truy xuất và thực thi một cách hiệu quả hơn thông qua các phương pháp như dán nhãn các sản phẩm riêng lẻ với các dấu hiệu không thể tẩy xóa được”, Compton nói.

Được biết, các kho dự trữ ngà voi bán lẻ của Hồng Kông chỉ còn hạn sử dụng dưới 6 tháng và theo các cuộc khảo sát của TRAFFIC trong năm 2019, các thương nhân ngày càng chuyển sang hình thức buôn bán trực tuyến ngà voi. Những người bán ngà voi trực tuyến tuy vẫn cần phải có giấy phép nhưng không bắt buộc phải trưng bày sản phẩm.

TRAFFIC khuyến nghị AFCD nên xem xét việc kiểm tra trực tuyến thường xuyên và yêu cầu tất cả các thương nhân cung cấp bằng chứng về giấy phép cùng với sản phẩm kèm theo. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các cơ quan thực thi tiến hành điều tra và truy tố tội phạm động vật hoang dã cùng các tổ chức đứng sau nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Huyền Trang

Tags:
CHIA SẺ