BVR&MT – Cuối năm 2021, gần 20 hộ dân sinh sống tại hai thôn Đăk Wét và Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, tỉnh Kon Tum có đơn gửi Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà, kiến nghị việc Thủy điện Đăk Psi 5 xả lũ gây ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.
Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đã có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai (chủ đầu tư Thủy điện Đăk Psi 5) phối hợp với chính quyền địa phương để có phương án hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 5 tháng trôi qua, người dân vẫn chưa nhận được hỗ trợ, đồng thời phải sống trong lo sợ mỗi khi mùa mưa đến.
Gia đình ông Võ Hữu Thành (sinh năm 1983) đã sinh sống và mở quán bán tạp hóa nhỏ tại thôn Đăk Wét, xã Đăk Pxi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, từ khi Thủy điện Đăk Psi 5 chính thức vận hành từ năm 2013, căn nhà của ông Thành đã nhiều lần phải hứng chịu ngập lụt mỗi khi thủy điện này xả lũ. Đỉnh điểm, vào mùa mưa các năm 2020, 2021, nhà của ông Thành còn bị ngập sâu trong nước 2 m, buộc ông và gia đình phải di chuyển đến nơi cao hơn để tránh ảnh hưởng đến tính mạng.
“Trước đây, khu vực này không bị ngập, nhưng từ khi có Thủy điện Đăk Psi 5 thì gần như năm nào cũng ngập. Đến mùa mưa, những hôm mưa lớn thì nhà tôi không dám ngủ, vì sợ thủy điện xả lũ chạy không kịp. Năm 2020, phía thủy điện cũng có xuống thống kê thiệt hại, thấy ghi nhà tôi là 150 triệu, nhưng đến nay vẫn không thấy hỗ trợ gì. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân quanh đây mong muốn chính quyền sớm có phương án giải quyết dứt điểm vấn đề ngập lụt này để bà con yên tâm sản xuất”, ông Thành cho biết thêm.
Còn gia đình ông A Phên (sinh năm 1980, trú thôn Đăk Wét) chia sẻ, gia đình ông bị ngập gần 200 cây cà phê mỗi khi Thủy điện Đăk Psi 5 xả lũ. Phía thủy điện cũng đã xuống xác định thiệt hại và đền bù cho ông với mức giá 50.000 đồng/cây cà phê. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là mức đền bù không thể chấp nhận được, vì mỗi cây cà phê thu hoạch ít nhất cũng được 200.000 – 300.000 đồng. Trong khi đó, sau khi bị ngập lụt, toàn bộ cà phê bị rụng quả, không thể thu hoạch được.
Đáng báo động hơn, tại khu vực thôn Đăk Wét, đã có hai hộ dân không thể tiếp tục sinh sống trong điều kiện ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến. Đơn cử, gia đình ông Lương Công Chung (sinh năm 1973) cho biết, căn nhà của ông được xây dựng năm 2005, với kết cấu chắc chắn và kiên cố. Năm 2009 được xem là năm lũ lịch sử tại Kon Tum, song nước lũ cũng không thể lên tới nhà của ông. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi Thủy điện Đăk Psi 5 đi vào vận hành, nước lũ đã ngập lên trên 1m vào nhà ông. Đến năm 2020, nước lũ đã ngập trên 2 m, khiến ông và gia đình buộc phải bỏ căn nhà.
“Tôi bây giờ đúng là có nhà mà không thể về được. Từ năm 2020 là gia đình tôi phải đi thuê nhà người khác ở sâu bên trong để ở, mỗi tháng mất 600.000 đồng tiền thuê. Tôi không dám ở căn nhà cũ nữa, vì sợ lỡ mưa to, thủy điện xả lũ, mình không chạy kịp thì tính mạng còn không giữ được chứ đừng nói là tài sản”, ông Chung bức xúc nói.
Theo ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Pxi, từ tháng 9/2020, với hai cơn bão số 6 và số 9, nhiều diện tích cây trồng của người dân canh tác xung quanh lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 đã bị ngập lụt. Sau đó, chính quyền địa phương đã tiến hành thống kê, đo đạc thiệt hại. Đến nay, đã xác định được có 62 hộ dân bị ảnh hưởng quanh lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai mới tiến hành chi trả cho 13 hộ dân, nhưng mới chỉ có 7 hộ dân đồng ý với mức chi trả.
“Chúng tôi cho rằng, tài sản của người dân gắn liền với thu nhập của bà con. Vì vậy, Thủy điện Đăk Psi 5 cần sớm có phương án hỗ trợ cho người dân để bà con ổn định cuộc sống. Ủy ban nhân dân huyện cũng rất quan tâm vấn đề này và đã có nhiều buổi làm việc với các công ty là chủ đầu tư của các thủy điện, trong đó có Thủy điện Đăk Psi 5 và yêu cầu công ty sớm có phương án hỗ trợ, đền bù cho người dân để người dân an tâm sản xuất trên khu vực này. Chúng tôi cũng đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai tiến hành đo đạc lại và áp giá đền bù sao cho không để người dân bị thiệt thòi”, ông Nguyễn Phúc Đoan cho biết.
Làm việc với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 5 cho biết, vấn đề đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 được chia làm hai loại. Thứ nhất là 13 hộ dân bị ảnh hưởng nằm dưới cao trình sẽ được đền bù theo phương án của Ủy ban nhân dân tỉnh. Với những hộ dân này, Công ty đã tiến hành đo đạc và đền bù.
“Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng nhưng nằm trên cao trình thì hiện nay, Công ty đã nhiều lần đề nghị với chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, việc gây ngập lụt không chỉ đơn thuần là do Thủy điện Đăk Psi 5 gây ra, mà còn do nước đổ về từ các thủy điện phía trên như Thủy điện Đăk Psi 3, 4. Trong khi đó, đập tràn của Thủy điện Đăk Psi 5 là đập tràn tự do, nên khi nước về bao nhiều thì sẽ xả lũ bấy nhiêu. Tuy nhiên, đến nay, các thủy điện phía trên vẫn chưa phối hợp để thực hiện hỗ trợ cho người dân nằm trên cao trình bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Thanh Minh lý giải.
Dù việc xả lũ gây ngập lụt không đơn thuần là do Thủy điện Đăk Psi 5, song có một thực tế không thể phủ nhận là vị trí gây ngập lụt chính là lòng hồ của thủy điện này. Và nếu cứ tiếp tục đùn đẩy việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, thì bà con sinh sống tại hai thôn Đăk Wét và Đăk Rơ Wang vẫn sẽ “thấp thỏm”, lo âu, nhất là khi mùa mưa năm 2022 đang đến gần. Còn Thủy điện Đăk Psi 5 vẫn ngày đêm phát điện, xả lũ mỗi khi nước lớn về, bỏ ngoài tai những lời kêu cứu của người dân bị ngập lụt.