BVR&MT – Nhiều cử tri Quảng Ninh cho rằng cần quy định rõ ràng, chi tiết hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cá nhân trong việc nộp phí, thuế bảo vệ môi trường.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản
Tham gia ý kiến với Quốc hội, nhiều cử tri Quảng Ninh cho rằng cần quy định rõ ràng, chi tiết hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cá nhân trong việc nộp phí, thuế bảo vệ môi trường, bởi Luật hiện hành còn chung chung, hoặc chưa được đề cập đến.
Trong đó, điều 68 không quy định trách nhiệm, nghĩa vụ nộp phí, thuế bảo vệ môi trường của tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong khi đó tại điều 82 thì quy định rất rõ trách nhiệm, nghĩa vụ nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình.
Hiện nay, các quy định về thu phí bảo vệ môi trường như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phí thẩm định phương án cải tao, phục hồi môi trường… đã được Chính phủ ban hành và tại Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hải Hà, Quảng Ninh, thực tế số kinh phí thu được để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường rất ít.
Lý do là chưa có cơ chế phù hợp để huy động sự tham gia, đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường, các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên còn chung chung.
Cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu dựa trên tình thần tự nguyện, hỗ trợ của doanh nghiệp, chưa có quy định cụ thể, chưa có cơ chế pháp lý để ràng buộc.
Ông Dũng giải thích việc kê khai, nộp phí và thuế do các doanh nghiệp tự kê khai, nộp thuế, điều này cũng mang đến những bất lợi đối với việc thu thuế, phí tài nguyên.
Bởi việc kiểm tra từng phương án vận chuyển và kiểm tra từng hóa đơn mua bán của các doanh nghiệp không phải chuyện dễ, chưa kể các trường hợp mua bán không có hóa đơn.
Trong thực tế, việc thực hiện các quy định về đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác rất khó triển khai thực hiện.
Cơ chế để triển khai thực hiện cũng chưa rõ ràng, nhất là việc xác định thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác khi khai thác khoáng sản.
Cơ quan nào có thẩm quyền xác định mức độ thiệt hại và quy trình đề nghị tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường chưa được quy định rõ ràng.
Người dân trong khu vực bị ảnh hưởng chỉ thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và tiếp công dân để bày tỏ mong muốn nguyện vọng của mình.
Riêng với quyền được ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan thì không có chế tài để đảm bảo thực hiện. Việc này phụ thuộc rất nhiều và ý chí chủ quan của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Bổ sung các cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên
Ông Lê Xuân Thân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu mở rộng phạm vi ô nhiễm cần được pháp luật tác động, điều chỉnh.
Trên thực tế có nhiều hoạt động của con người diễn ra hằng ngày (tiếng cắt hàn kim loại, loa giàn âm thanh, còi hơ…) với âm thanh tầng số cao, gây tiếng ồn quá sức chịu đựng của con người.
Tuy “tiếng ồn” cũng được coi là một trong những hành vi được nghiêm cấm tại Điều 6 của dự thảo, song dự án Luật chưa thể hiện rõ “gây tiếng ồn” có phải là gây ô nhiễm không khí hay không, thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa ông đề nghị luật cần quy định cụ thể về vấn đề này.
Mặt khác, Luật cũng cần bổ sung các cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, khi có phản ánh của người dân phải xử lý dứt điểm. Tránh để tình trạng người dân vượt quá chịu đựng nhưng cơ quan chức năng kiểm tra cho là “trong chuẩn cho phép.”
Đối với ý kiến về giấy phép môi trường, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa chọn phương án 1, chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; đồng thời quy định trong nội dung giấy phép môi trường đối với trường hợp có xả thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.
Thượng tá Lê Hồng Phin, nguyên Phó trưởng khoa Cơ khí Cơ điện, Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Môi trường biển Vĩnh Hòa nhất trí với ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý trong kỳ hợp Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 sáng 24/10 và cho rằng để Luật đi vào cuộc sống, dễ thực hiện, Quốc hội cần có ngay hướng dẫn thi hành sau khi văn bản luật có hiệu lực, tránh chồng chéo nhiệm vụ để xảy ra hậu quả mà không rõ bộ, ngành nào chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, Thượng tá Lê Hồng Phin cũng mong muốn Luật cần phải xây dựng có tính bao quát, tổng thể, có giá trị cho hiện tại và tầm nhìn phát triển trong vài chục năm sau; hạn chế những lợi ích trước mắt và để lại hậu quả cho ngày sau.
Luật cũng nên quan tâm đến việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, kiên quyết giải thể những nhà máy thủy điện có công suất thấp, gây ảnh hưởng đến môi trường rừng, dẫn đến những hậu quả lũ lụt, biến đổi khí hậu. Các dự án có nguy cơ gây hại cho môi trường, cần kiểm tra, thẩm định kỹ càng.
Cùng quan điểm với Thượng tá Lê Hồng Phin, anh Trần Công Huân, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Nha Trang, cho rằng môi trường là ngôi nhà chung của tất cả các sinh vật, trong đó có con người sinh tồn và phát triển.
Tuy nhiên hiện nay môi trường tại nhiều địa phương đang bị đe dọa nghiệm trọng. Do đó khi Luật có hiệu lực sẽ điều chỉnh thêm một số nội dung liên quan đến xử lý vi phạm về môi trường trong sản xuất kinh doanh, bởi đây là đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng xả rác bừa bãi tại một số thành phố, đô thị, đặc biệt là các thành phố du lịch.
Môi trường xanh sạch đẹp là yếu tố liên quan đến việc phát triển kinh tế xã hội, thu hút khách du khách, do đó anh Huân mong muốn Luật cần chú ý nhiều hơn nữa vấn đề khen thưởng đối với hoạt động bảo vệ môi trường đối với cá nhân, tổ chức đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Đó là yếu tố tạo động lực, góp phần tuyên truyền ý thức giữ gìn môi trường sạch, đẹp.
Tích hợp Giấy phép xả nước thải vào Giấy phép môi trường giúp giảm 7 thủ tục hành chính
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đánh giá dự thảo Luật Bảo vệ môi trường lần này đã tích hợp Giấy phép xả nước thải vào Giấy phép môi trường giúp giảm được 7 thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.
Theo đại biểu, việc tích hợp này sẽ khắc phục được những bất cập, chồng chéo, giảm phiền hà cho doanh nghiệp vì việc cấp giấy phép xả nước thải (gồm xả nước thải vào nguồn nước và xả nước thải vào công trình thủy lợi) trong giai đoạn vừa qua thực chất là thừa, không cần thiết.
Bởi, khi doanh nghiệp đi vào hoạt động đã được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp giấy xác nhận, giấy phép về môi trường là công trình xử lý nước thải đó đã đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay, một đối tượng xả nước thải ra môi trường của doanh nghiệp đang chịu ít nhất 2 thủ tục hành chính khác nhau, hầu hết sẽ do 2 cơ quan hoặc ngành quản lý khác nhau.
Bên cạnh đó, mặc dù căn cứ cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận nêu trên là giống nhau, nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp các yêu cầu bảo vệ môi trường tại các giấy phép này lại chưa đồng bộ, làm doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện.
Luật Thủy lợi quy định quy hoạch thủy lợi chỉ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (để cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng), trong khi quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch ngành quốc gia.
Nếu tiếp tục quy định có nhiều cơ quan cấp phép liên quan đến hoạt động xả thải như hiện nay sẽ không đảm bảo nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước.
Việc tiếp tục giao cơ quan quản lý công trình thủy lợi cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là phân tán đối tượng cũng như chức năng quản lý nhà nước và không đồng bộ, xuyên suốt các công cụ quản lý.
Cụ thể, cơ quan quản lý công trình thủy lợi không phải là cơ quan thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận các hồ sơ, thủ tục hành chính về môi trường của doanh nghiệp nên rất thiếu thông tin về thời điểm doanh nghiệp đi vào hoạt động và xả nước thải vào công trình thủy lợi do mình quản lý.
Bên cạnh đó, pháp luật quy định các cơ sở có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để theo dõi, giám sát chứ không truyền về cơ quan quản lý công trình thủy lợi.
Ngoài ra, cơ quan quản lý công trình thủy lợi không có chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về môi trường nên việc phát hiện và xử phạt vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam đối với doanh nghiệp là không đảm bảo.
Ngược lại, việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào giấy phép môi trường không dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý công trình thủy lợi trong việc quản lý chất lượng, số lượng nước trong công trình cũng như thực hiện chính sách thu phí, dịch vụ thủy lợi.
Dù khoản 2, Điều 46, Luật Thủy lợi có giao tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trực tiếp bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủ lợi, kiểm soát việc xả thải vào công trình thủy lợi, nhưng rất khó thực thi vì hầu hết các tổ chức này là doanh nghiệp thủy lợi, tổ chức thủy lợi cơ sở hoặc cá nhân không được giao thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính, không có số liệu quan trắc tự động của doanh nghiệp truyền về, nên hoàn toàn không có công cụ kiểm soát hoạt động xả thải.
Bên cạnh đó, phương thức định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo Điều 6, 7 Nghị định 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ là hoàn toàn dựa trên chi phí nhân công, khấu hao tài sản, chi phí vận hành, lợi nhuận… của tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà không tính theo chất lượng sản phẩm, dịch vụ.